Bất chấp nỗ lực vận động của các đồng minh châu Âu, ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên bố nước này sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt kinh tế. Quyết định đơn phương của Mỹ có nguy cơ đẩy khu vực Trung Đông vào vòng xoáy căng thẳng mới khi Iran đe dọa có thể nối lại các chương trình hạt nhân của mình.
Trong bài phát biểu chiều 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích Iran đang tiếp tục hỗ trợ khủng bố, kích động bạo lực trên khắp khu vực Trung Đông và nguy hiểm nhất là nỗ lực theo đuổi vũ khí hạt nhân. Ông Trump cho rằng, thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 dưới thời chính quyền Tổng thống Obama là một thảm họa, không mang lại hiệu quả thực sự, không mang lại hòa bình cũng như ổn định cho khu vực. Việc Mỹ đồng ý theo đuổi thỏa thuận trên sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân tại Trung Đông. Chính vì thế, Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran:
"Hôm nay, tôi tuyên bố nước Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngay sau đây, tôi sẽ ký bản ghi nhớ để tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào chính quyền Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Chúng tôi sẽ thực hiện trừng phạt kinh tế ở mức cao nhất".
Tuy nhiên, ông Trump cũng để ngỏ khả năng đàm phán về một thỏa thuận mới khi liên hệ với các tiến bộ trong tiến trình giải quyết căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên:
"Mặc dù chúng tôi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh hướng tới một thỏa thuận thực sự, toàn diện và giải quyết thấu đáo mối đe dọa hạt nhân của Iran. Thỏa thuận này sẽ bao gồm các nỗ lực xóa bỏ mối đe dọa từ chương trình tên lửa đạn đạo, chấm dứt các hoạt động khủng bố, ngăn chặn các hoạt động quấy rối của Iran tại Trung Đông".
Ngay sau tuyên bố của ông Trump, cựu Tổng thống Obama đã gọi hành động này là sai lầm nghiêm trọng, làm tổn hại đến uy tín toàn cầu của Mỹ. Trong khi đó, các nước đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức đã bày tỏ sự thất vọng nặng nề khi lên tiếng chỉ trích quyết định của ông Trump và khẳng định sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận này.'
Về phía Iran, Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố nước này có thể sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận hạt nhân mà không cần sự hiện diện của Mỹ:
"Tôi đã yêu cầu Bộ Ngoại giao trong vài tuần tới sẽ thảo luận với EU, Trung Quốc và Nga. Sau khi thảo luận, nếu chúng tôi thấy rằng thỏa thuận hạt nhân mang lại lợi ích đầy đủ cho chúng tôi khi hợp tác với tất cả các nước thì chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì".
Tuy nhiên, ông Rouhani cũng đe dọa nếu không đảm bảo được các lợi ích, Iran sẽ đưa ra quyết định riêng của mình. Nước này cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nối lại các hoạt động hạt nhân ở mức công nghiệp và có thể khởi động ngay trong tuần tới.
Với việc áp đặt lại lệnh trừng phạt kinh tế, các công ty nước ngoài đang làm ăn với Iran sẽ không được ký kết thêm hợp đồng mới, cắt giảm các hợp đồng hiện có trong các lĩnh vực bị cấm vận trong vòng từ 90 đến 180 ngày. Sau thời hạn trên, nếu các công ty tiếp tục làm ăn với Iran sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ. Hành động rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran của ông Trump được xem là thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử Tổng thống. Tuy nhiên, quyết định này không chỉ gây ra làn sóng tranh cãi ngay trong nội bộ nước Mỹ mà còn đẩy khu vực Trung Đông vào nguy cơ căng thẳng mới khi ngay lập tức đẩy nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp hoặc gián tiếp tại các điểm nóng giữa Iran và hai đối thủ chính là Israel và Ả rập Xê út leo thang nhanh chóng.
Nguồn: vov