Như đã thông tin, hôm qua tại Hội nghị Trung ương 7, Ban chấp hành Trung ương đã biểu quyết đồng ý cho ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị thôi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ban chấp hành Trung ương đã bầu ông Trần Cẩm Tú vào Ban Bí thư và bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. PV Dân Việt có trao đổi với TS Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính — Ngân sách của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
— Trong hai năm vừa qua, Uỷ ban KTTƯ đã làm được nhiều việc thực chất, với những kết quả cụ thể, có tính thuyết phục cao. Những kết quả ấy được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, có nhiều người ví Uỷ ban KTTƯ như là một địa chỉ tin cậy. Những kết quả ấy cũng khẳng định quyết tâm của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, chống lộng hành quyền lực, lập lại trật tự, kỷ cương trong Đảng, khôi phục niềm tin trong nhân dân.
Để có được thành công cần phải nói đến vai trò của người lãnh đạo như trường hợp ông Trần Quốc Vượng, ông nghĩ sao thưa ông?
— Rõ ràng, những kết quả đạt được trong hoạt động của Uỷ ban KTTƯ không thể tách rời vai trò của người đứng đầu là đồng chí Trần Quốc Vượng. Mặc dù, theo Điều lệ Đảng và các văn bản khác quy định Uỷ ban KTTƯ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, nhưng vai trò khởi xướng, dẫn dắt, lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc trực tiếp của ông Trần Quốc Vượng có ảnh hưởng to lớn đối với kế hoạch, chương trình công tác và phương thức hoạt động của tập thể Uỷ ban KTTƯ.
Việc Ủy ban KTTƯ hoạt động hiệu quả đã góp phần vào việc phòng, chống tham nhũng, loại bỏ cán bộ yếu kém, thoái hóa ra khỏi bộ máy, lập lại kỷ luật kỷ cương thế nào thưa ông?
Thứ nhất, cùng với các cơ quan như Tổ chức, Nội chính, Tuyên giáo và Dân vận, cơ quan kiểm tra của Đảng là một trong những thiết chế chính trị bảo đảm cho việc duy trì trật tự, kỷ cương của Đảng, góp phần khôi phục và khẳng định sức mạnh, uy tín của Đảng.
Thứ hai, những kết quả tích cực từ việc xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các chức vụ lãnh đạo trong Đảng thời gian qua khẳng định quyết tâm của Đảng, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động trong việc tự mình làm trong sạch "cơ thể" chính trị của Đảng, cả về tổ chức, cả về hình ảnh và uy tín của một đảng cầm quyền, có sứ mệnh lãnh đạo, dẫn dắt Nhà nước và xã hội trong bối cảnh sự tha hóa quyền lực đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Thứ ba, những kết quả hoạt động của Uỷ ban KTTƯ cho thấy không có vùng cấp, sự ưu ái đối với bất cứ cá nhân nào. Điều đó có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo trong toàn hệ thống, có tác dụng thúc đẩy sự chuyển biến, lan truyền trong bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị — xã hội từ Trung ương đến cơ sở.
— Việc Ban chấp hành Trung ương bầu ông Trần Cẩm Tú vào Ban Bí thư và bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ, tôi cho rằng Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương đã cân nhắc rất kỹ.
Có những yếu tố để chúng ta có thể tin tưởng ông Trần Cẩm Tú có thể kế tục những thành quả của người tiền nhiệm để lại. Trước khi là Chủ nhiệm ông Tú đã là Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban KTTƯ, đây là vị trí công tác chỉ đứng sau cấp trưởng để chỉ đạo công tác xây dựng kế hoạch, chương trình, đổi mới phương thứchoạt động của Ủy ban KTTƯ. Chính vì thế việc ông Tú kế tục người tiền nhiệm sẽ rất thuận lợi, bởi ông đã nắm được công việc, bao quát được hoạt động của cơ quan này.
Theo tôi được biết thời gian ông Trần Cẩm Tú được luân chuyển về làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đã thể hiện được năng lực của người lãnh đạo, tác phong giản dị, hòa đồng với quần chúng. Ông ở nhà công vụ, tự mình làm các công việc trong sinh hoạt. Tôi cũng được biết ông Trần Cẩm Tú là người có khả năng tập hợp được những cán bộ, đồng nghiệp xung quanh, biết lắng nghe ý kiến của nhiều người, có tinh thần thẳng thắn, có ý chí quyết tâm cao trong việc tập trung xử lý những vụ việc trọng điểm. Với những yếu tố phân tích nêu trên chúng ta có thể tin tưởng người kế tục ông Trần Quốc Vượng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nguồn: Dân Việt