“Chúng tôi được thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh khác biệt với những nhà lãnh đạo khác…”

Ngày 17 tháng 5 tại Matxcơva trong phòng triển lãm "Photo Center" thuộc Liên đoàn các nhà báo Nga đã khai mạc triển lãm "Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với tình hữu nghị Việt-Nga". Đây là hoạt động chuyên đề dành riêng kỷ niệm ngày sinh lần thứ 128 của người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam và dấu mốc 95 năm lần đầu tiên Người đặt chân lên mảnh đất Nga.
Sputnik

Bộ hiện vật trưng bày tại triển lãm do Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch tại Hà Nội gửi tới nước Nga. Cuộc trưng bày đầu tiên theo chuyên đề như vậy đã được tập thể cán bộ Khu Di tích chuẩn bị vào năm 2014 và tổ chức tại Saint-Peterburg, thành phố thủ đô phương Bắc của nước Nga, nơi đầu tiên đón tiếp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc của Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc (thứ nhất bên trái) cùng với các đại biểu dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản. Matxcơva năm 1924

Nga kỷ niệm 95 năm chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Petrograd
Cuộc triển lãm Matxcơva lần này, — như lời kể của bà Cao Hải Yến Phó Giám đốc Khu Di tích khi trả lời phỏng vấn của Sputnik — giới thiệu 128 bức ảnh tư liệu.

"Đó là một nửa trong số tất cả các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với các thành phố của nước Nga mà hiện chúng tôi đang lưu giữ. Trên hành trình ba chục năm nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đến với cách mạng, nước  Nga chiếm một vị trí đặc biệt. Trong hơn 6 năm Người đã sống và làm việc ở đất nước bạch dương, dùng những bí danh khác nhau, nghiên cứu vạch ra chiến lược và chiến thuật cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đang nóng lên tại Việt Nam. Qua triển lãm này chúng tôi muốn giới thiệu với đông đảo công chúng Nga, nhất là với giới trẻ, về cuộc đời  và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền móng bền vững bất hủ cho quan hệ hữu nghị Việt-Nga. Và từ đó góp phần phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Bởi chúng tôi tin tưởng rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời gần nửa thế kỷ trước đã để lại những di sản vô giá, không chỉ thuộc về quá khứ mà còn tươi mới đến tận hôm nay và gắn với tương lai của chúng ta. Công lao của Người trong vận mệnh của dân tộc Việt Nam, trong sự tạo lập và xây đắp phát triển tình hữu nghị Việt-Nga sẽ sáng mãi trong lòng chúng ta", — bà Cao Hải Yến nhận định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự của quân đội Liên Xô tại nghi lễ long trọng đón tiếp phái đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Liên Xô, ngày 12 tháng 7 năm 1955.

Nghi lễ khai mạc triển lãm đã thu hút tập hợp về đây nhiều người Nga, bằng hình thức này hay cách khác vào những thời điểm khác nhau đã có duyên nợ với Việt Nam. Nhiều người nói về sự kịp thời và ý nghĩa quan trọng của triển lãm, nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ với những hiện vật ảnh mà họ được thấy hôm nay. Ở đây có cựu sĩ quan tên lửa Nikolai Kolesnik, từng phục vụ trong hàng ngũ tiểu đoàn phòng không, vào tháng 8 năm 1965 bằng ba quả tên lửa bắn hạ 4 máy bay Mỹ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thân chinh đến thị sát chúc mừng chiến công những người lính. Trong các vị khách Nga dự lễ khai mạc còn có nhà khoa học nguyên tử Valery Ulitin, người vào đầu những năm 80 đã làm việc cùng với các đồng nghiệp Việt Nam để khôi phục lò phản ứng hạt nhân thực nghiệm ở Đà Lạt.

1 / 5
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các diễn viên xiếc sau buổi xem biểu diễn ở Xô-chi trong dịp Người thăm và nghỉ hè ở đây, ngày 15/7/1959
2 / 5
Phái đoàn các nhà hoạt động văn hóa Xô-viết trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 4 năm 1958.
3 / 5
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh chung với những người đồng chí Xô-viết: Suslov M.A., Leonid Brezhnev và gia đình họ trong kỳ nghỉ hè ở Yalta (Liên Xô) ngày 12 tháng 7 năm 1959.
4 / 5
Chủ tịch Hồ Chí Minh giao lưu với các thủy thủ Hải quân Liên Xô trong chuyến thăm thành phố Leningrad, tháng 8 năm 1957.
5 / 5
Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Voroshilov K.E. Chủ tịch Chủ tịch đoàn Hội đồng Xô-viết Tối cao Liên Xô ở Tbilisi (thủ đô Cộng hòa Gruzia), ngày 21 tháng 7 năm 1959.

Thủ đô phương Bắc của Nga tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Quả thực trong bộ sự tập hiện vật ở  triển lãm là những tư liệu ảnh quý rất độc đáo. Chẳng hạn, bức ảnh chụp vị đại sứ Nga ở Berlin trao cho Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy lấy tên là Chen Wang tấm visa nhập cảnh đầu tiên vào Nga tháng 6 năm 1923. Hay là tấm thẻ ra vào dự cuộc diễu hành nhân lễ hội 1 tháng 5 trên Quảng trường Đỏ ở Matxcơva vào năm 1924 với dấu triện "Được đến mọi nơi", ghi tên Ai Quac. Còn đây là giấy phép của nhà cách mạng Việt Nam mang họ Lin, để  tham dự  Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản tại Matxcơva vào năm 1935. Bên cạnh đó — Thẻ chứng nhận là cán bộ Cục Phương Đông thuộc BCH Quốc tế Cộng sản. Những người Nga trong gian Triển lãm này sẽ tin chắc rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm vững thành thạo tiếng Nga khi được đọc lá thư Người gửi cho các thiếu nhi Liên Xô vào tháng 8 năm 1962. Có thể biết hình dạng món quà mà Đảng Cộng sản Liên Xô tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1954  - đó là chiếc xe "ZIS". Tại triển lãm có bức ảnh ghi lại cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Sao vàng Anh hùng Lao động Việt Nam cho nhà du hành vũ trụ German Titov vào năm 1962, rồi cuộc gặp của nhà lãnh đạo Việt Nam với các nghệ sĩ của Đoàn Xiếc Sochi năm 1959…Những vị khách thăm triển lãm đều dừng rất lâu trước mỗi tấm ảnh thú vị lần đầu được thấy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Anh hùng Lao động Việt Nam cho nhà du hành vũ trụ Liên Xô G. Titốp tại Hà Nội, ngày 21/1/1962

"Triển lãm giúp chúng ta hiểu được chiều sâu nhân cách và sức thu hút  kỳ lạ của một con người vĩ đại, mà cuộc đời phong phú xứng đáng là chủ đề hấp dẫn cho bao câu chuyện, tiểu thuyết, và thậm chí cả tác phẩm trinh thám rất thú vị và đa dạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử thế kỷ XX như là một trong những nhân vật trở thành lãnh đạo quốc gia sau khi kinh qua con đường cách mạng chiến đấu giải phóng dân tộc mà không hề gây đổ máu, luôn luôn gắn bó với nhân dân và không là đề tài dị nghị phán xét của hậu thế. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh  trong ký ức của nhân dân luôn gắn với lòng biết ơn và sự tôn trọng. Đó cũng chính là những cảm xúc trong trái tim của người Nga", — ông  Valery Nikiforov Giám đốc "Photo Center" nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trại Thiếu nhi trong chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo Việt Nam đến Liên Xô, ngày 14 tháng 7 năm 1955.

Như ông Nikiforov thông báo với Sputnik, triển lãm hiện nay là cuộc trưng bày thứ ba tại "Photo Center" dành riêng cho chủ đề Việt Nam trong vài năm qua. Trước đó, từng có cuộc triển lãm phản ánh sự tham gia của các chuyên viên quân sự Xô-viết trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và của các chuyên viên Nga trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình ngày nay. Cuộc triển lãm thứ tư dự kiến tổ chức vào 2019, năm đã được Tổng thống Nga và Chủ tịch Việt Nam công bố là Năm Nga tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Nga.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng Lăng V.I. Lenin, ngày 2 tháng 11 năm 1957.
Thảo luận