"Nếu bệnh viện là ngôi nhà thứ 2 thì Thiên Sơn là người nhà của bệnh nhân chạy thận"?

Sáng nay (18/5), trả lời câu hỏi của luật sư tại phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Sơn) khẳng định công ty không có lỗi, không phải chịu trách nhiệm với các nạn nhân.
Sputnik

Khi luật sư đặt câu hỏi với bà Nguyễn Thị Đinh Hương về trách nhiệm của Công ty Thiên Sơn trong việc để xảy ra sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, bà Hương nói:

"Công ty Thiên Sơn bày tỏ sự đau lòng về điều này, nếu Bệnh viện là ngôi nhà thứ hai của những bệnh nhân chạy thận thì chúng tôi chính là người nhà của họ trong ngôi nhà đó".

Xét xử bác sĩ Lương: Tiết lộ "sốc" tỷ lệ ăn chia chạy thận
Bà Hương khẳng định sau khi sự việc xảy ra, Công ty Thiên Sơn nghĩ "mình là người bạn của bệnh nhân" nên ngay lập tức đã bàn với BVĐK tỉnh Hòa Bình về mong muốn có nguồn kinh phí của Công ty để hỗ trợ gia đình các bệnh nhân.

"Đó là tình cảm, chứ không phải là trách nhiệm của Công ty Thiên Sơn", bà Hương khẳng định.

Đối với thông tin Công ty Thiên Sơn đã nộp 370 triệu đồng nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả, bà Hương phủ nhận thông tin này.

Luật sư đại diện cho Thiên Sơn trình bày thêm: "Chúng tôi đề nghị BVĐK tỉnh Hòa Bình có biện pháp hỗ trợ, nhưng rất nhiều lần không thành công vì ban đầu bác sỹ Dương (ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình — PV) đồng ý, những sau đó ông Dương không còn làm việc tại bệnh viện. Đến khi bác sỹ Hoàng (ông Lê Xuân Hoàng — PV) làm Giám đốc Bệnh viện cũng đồng ý chủ trương đó. Bản thân tôi đã gặp các gia đình nạn nhân bày tỏ ý tưởng này và mong muốn được tư vấn pháp luật".

Bác sỹ “bí ẩn” kiên nhẫn chờ 3 ngày để gỡ tội cho Hoàng Công Lương là ai?
Mặc dù khẳng định Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Lê Xuân Hoàng đã đồng ý, nhưng bà Hương lại cho biết Thiên Sơn "không đạt được thỏa thuận với Bệnh viện".

"Chính vì không đạt được thỏa thuận với bệnh viện nên không có cách nào khác, vì chúng tôi không có lỗi trong chuyện này (sự cố tai biến y khoa làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong — PV). Thiên Sơn có biên bản với bệnh viện là hỗ trợ cho bệnh nhân, cái này là tình cảm, không phải là trách nhiệm. Đây là số tiền Công ty Thiên Sơn hỗ trợ thông qua bệnh viện đối với các gia đình nạn nhân", luật sư Hương nói thêm.

Trước khi xảy ra sự cố y khoa, ông Trương Quý Dương đã ký Hợp đồng số 315/BVĐKT-TS với Công ty Thiên Sơn do ông Đỗ Anh Tuấn làm Tổng Giám đốc, với nội dung cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 cho đơn nguyên Thận nhân tạo. Ngay lập tức, Công ty Thiên Sơn chuyển nhượng hợp đồng này cho Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh (Công ty Trâm Anh) do bị cáo Bùi Mạnh Quốc làm Giám đốc.

Tại phiên tòa này, Bùi Mạnh Quốc khẳng định giữa Công ty Trâm Anh và Công ty Thiên Sơn trước đó không ký kết hợp đồng, Công ty Trâm Anh nhận bảo dưỡng, sửa chữa chỉ bằng một email báo giá. Bị cáo Quốc cũng khẳng định việc ký kết hợp đồng chỉ được thực hiện vào tối 29/5/2017 (sau khi sự cố y khoa xảy ra vào sáng cùng ngày) và phủ nhận thông tin hợp đồng được ký từ ngày 25/5/2017.

Nguồn: Infonet

Thảo luận