Chuyện thật như đùa hay định lập kỷ lục mới: Mỗi công chức mua 9 kg ớt cay

Chuyện hoàn toàn không đùa. Khi ớt chín đầy đồng không ai mua, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) ra văn bản kêu gọi mỗi công chức trên địa bàn mua 9kg ớt! Và câu hỏi đặt ra, còn có nông sản nào mà không phải giải cứu nữa?
Sputnik

Dưa hấu Quảng Ngãi vừa được giải cứu sau khi UBND huyện Bình Sơn phát công văn huy động các cơ quan đoàn thể mua giúp nông dân hàng ngàn tấn dưa. Phải nói ngay, giải cứu đó là việc chính quyền lo lắng, quan tâm tới nông dân, tới sinh kế, nợ nần, tới tương lai của họ. Và những công văn đề nghị giải cứu thế này chỉ có thể là trong sáng, dù hơi buồn cười.

Nhưng, những công văn giải cứu, những lời kêu gọi, một lần nữa lại chỉ tô đen cho một thực trạng không thể quản lý đối với thị trường nông sản.

Song song với dưa hấu, với ớt, giá bí xanh ở Thanh Chương, Nghệ An chỉ còn 2.000 đồng/kg, so với cao điểm 16 ngàn/kg.

Huyện Nam Đàn, giá cà tím chỉ còn 700 đồng/kg, bèo bọt đến mức dân bỏ héo ngoài ruộng.

Nhưng rụng rời nhất, tiềm ẩn nguy hiểm nhất là việc giá heo hơi đang tăng nóng, tăng chóng mặt. Chỉ trong hơn 1 tháng, giá heo hơi đã vọt lên 48.000 đồng/kg, tức là tăng 38% so với trước đó.

Trên VnExpress, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi của một thủ phủ thịt heo là Đồng Nai nói như thế này: "Hiệp hội đang theo sát thị trường, đồng thời, phối hợp với cơ quan quản lý để kiểm soát giá heo, cũng như vận động người nuôi cẩn trọng với cơn sốt giá ảo. Bởi lẽ, trên thực tế, nguồn cung không quá thiếu mà đa phần do người nuôi giữ heo để đẩy giá".

Có nghĩa rằng ngay từ cơ sở, từ một thủ phủ, chúng ta đang hoàn toàn chưa lý giải được nguồn cơn của sự sốt, của tỷ lệ 38% tăng thêm trong hơn 30 ngày này.

Và hậu quả là gì? Không ai biết cho đến khi giá heo xuống đáy là những lời giải cứu lại tiếp tục cất lên.

Trong một động thái yếu ớt, Cục Chăn nuôi đưa dự báo, nhu cầu tiêu thụ thịt heo các tháng mùa hè sẽ giảm và giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng, và Cục khuyến cáo người chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt trở lại bởi chăn nuôi lợn vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về thị trường.

Làm thế nào để tin này đến được với dân, để thuyết phục nông dân, để tránh ngay từ đầu những cơn sốt ảo. Rất khó để nói.

Có một chi tiết không thể không nói. Rằng là dù còn chưa giải cứu xong, nhiều nông dân Quảng Nam cho biết họ vẫn tiếp tục trồng dưa hấu chỉ với tính toán thế này: Một gia đình có 2 sào đất, nếu làm lúa được mùa thì mỗi năm thu hơn 6 tạ, bán được khoảng 4 triệu đồng. Trong khi đó, một vụ dưa hấu gia đình ông thu được khoảng 4 tấn, nếu bán với giá 4.000 đồng/kg, sẽ ông bỏ túi 16 triệu đồng.

Thế rồi sao? Thế rồi lại kêu, lại giải cứu.

Nguồn: Lao Động

Thảo luận