Hôm nay Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Hôm nay (31/5), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Sputnik

Theo đó, trong phiên họp buổi sáng tại hội trường Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi).

Tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật PCTN (sửa đổi).

Cũng trong phiên sáng nay, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Quốc hội sẽ dành cả buổi chiều để thảo luận ở tổ về dự án Luật PCTN (sửa đổi).

Dự thảo Luật PCTN trình Quốc hội lần này về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như quy định về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chế độ họp báo, phát ngôn; quyền yêu cầu cung cấp thông tin; trách nhiệm giải trình; tiêu chí đánh giá công tác PCTN; báo cáo, công khai báo cáo công tác PCTN; tuyên truyền, giáo dục về công tác PCTN; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; tặng quà và nhận quà tặng; thanh toán qua tài khoản; việc xử lý tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán và nhiều nội dung khác của dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, một số vấn đề của dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp tục xin ý kiến Quốc hội để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả công tác PCTN vừa bảo đảm tính khả thi như: quy định về các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm; thẩm quyền của cơ quan Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra về công tác PCTN ở khu vực ngoài nhà nước.

Nguồn: enternews

Thảo luận