Báo cáo nêu rõ, thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ tư, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổng hợp được 2.099 kiến nghị của cử tri có nội dung liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Tư pháp. Các kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay toàn bộ các kiến nghị đã được xem xét, trả lời (đạt 100%).
Đối với công tác điều hành của Chính phủ, có tổng số 1.993 kiến nghị (chiếm 95%). Cử tri quan tâm đến các vấn đề bức xúc, nổi cộm trong đời sống xã hội như tình trạng lãng phí, sử dụng đất công không hiệu quả; việc quản lý khai thác cát; tình hình lạm thu tại các trường học, bạo hành tại một số cơ sở mầm non; vi phạm tại một số cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất kinh doanh thuốc; tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội; việc đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT…
Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, toàn bộ 1.993 kiến nghị cử tri gửi đến Chính phủ đều đã được nghiên cứu và trả lời, trong đó: 1.474 kiến nghị (73,96%) được giải trình, cung cấp thông tin cho cử tri, 162 kiến nghị (8,13%) đã được tiếp thu, giải quyết dưới một số hình thức như sửa đổi một số văn bản không còn phù hợp.
Đặc biệt, theo phản ánh của cử tri Vĩnh Long, Quảng Ngãi, Bình Phước về tình trạng lãng phí, sử dụng đất công không hiệu quả, Thủ tướng đã ban hành ngay Chỉ thị 01/CT-TTg chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, hủy bỏ các dự án, công trình đã quá 3 năm chưa thực hiện. Qua kiểm tra, rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 78.000 ha đất công đã được đưa vào sử dụng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, nút thắt trong thu hút đầu tư cho nông nghiệp mà cử tri nhiều địa phương kiến nghị qua nhiều kỳ họp…
Báo cáo cho thấy, qua kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đánh giá của 59/59 Đoàn đại biểu Quốc hội đều cho thấy, việc giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành kỳ này có sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng cũng như thời hạn trả lời. Nhiều bộ, ngành đã được một số Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao trong giải quyết nhanh chóng, dứt điểm một số kiến nghị cụ thể của địa phương.
Nhiều kiến nghị nêu tại kỳ trước đã được tích cực tổ chức thực hiện. Cụ thể, tiếp thu phản ánh của cử tri về hành vi thái độ của một số cán bộ công chức thiếu chuẩn mực, còn có biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác kiểm tra về thực thi công vụ tại các bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra nhiều địa phương đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ công, chẳng hạn TP Hà Nội đã lắp đặt camera tại các các địa điểm thực hiện thủ tục hành chính "một cửa", "một cửa liên thông", UBND quận Tây Hồ đã thí điểm cấp địa chỉ hộp thư điện tử cho hộ gia đình, đạt 88,5%.
Tiếp thu các kiến nghị về hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra trong phát hiện tham nhũng, xử lý cán bộ và thu hồi tài sản sau tham nhũng còn hạn chế, cơ quan thanh tra đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Năm 2017, qua thanh tra phát hiện 87 vụ việc, 123 cá nhân có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 70% số vụ việc, 45% số người vi phạm so với năm 2016). Cơ quan điều tra đã thụ lý 354 vụ án, 785 bị can phạm tội tham nhũng (tăng 60 vụ, 103 bị can); TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 5,7% số vụ), kiến nghị thu hồi 43.321 tỷ đồng, 4.941 ha đất. Đặc biệt, công tác xử lý sau thanh tra được đẩy mạnh, riêng trong quý I/2018 đã kiểm tra việc thực hiện gần 1.200 kết luận thanh tra.
Tuy nhiên, Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Đó là, chất lượng tổng hợp kiến nghị của cử tri của một số Đoàn đại biểu Quốc hội còn bất cập; chất lượng trả lời một số kiến nghị cử tri còn hạn chế. Có tới 43/59 Đoàn đại biểu Quốc hội nêu nhận xét, một số bộ, ngành trả lời vấn đề mà cử tri nêu còn rất chung chung, diễn giải nhiều, nhưng không đủ thông tin, không rõ trách nhiệm và hướng giải quyết.
Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, rà soát sửa đổi các văn bản pháp luật không phù hợp thực tiễn còn chậm: tính đến 20/4/2018, còn 101 văn bản chậm sửa đổi, đặc biệt trong đó Luật Cán bộ, công chức ban hành đã 10 năm vẫn thiếu văn bản hướng dẫn về việc xử lý kỷ luật đối tượng là cán bộ khi vi phạm.
Vẫn còn tình trạng một số văn bản pháp luật áp dụng vào thực tiễn còn vướng mắc, nhưng chưa được xem xét, giải quyết thấu đáo; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với một số vấn đề mà cử tri phản ánh còn chưa được thực hiện kịp thời, hiệu quả; một số vấn đề đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị tại kỳ họp trước nhưng chưa được quan tâm giải quyết thỏa đáng.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng bảo đảm khách quan, dân chủ, vì lợi ích của nhân dân và cử tri; nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị của cử tri và giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Đối với Chính phủ, các bộ, ngành tiến hành kiểm tra, đánh giá việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Tổ chức Hội nghị toàn quốc về "Công tác giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri" tháo gỡ vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và UBND các tỉnh thành phố, nhằm nâng cao chất lượng trong công tác này; xem xét, chỉ đạo giải quyết ngay các tồn tại, hạn chế đã nêu.
Nguồn: congluan