Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang thăm Nhật Bản – những dấu ấn đặc biệt

“Sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm giúp tái khẳng định giá trị đối tác của mỗi bên, trong đó có yếu tố của sự vững bền.”
Sputnik

"Một minh chứng là ở tầm quốc gia, Nhật Bản hiện là nước cung cấp ODA lớn nhất, nhà đầu tư thứ hai, đối tác du lịch thứ ba và thương mại thứ tư của Việt Nam, trong khi khoảng 260 nghìn người Việt hiện đang sinh sống học tập làm việc tại Nhật Bản"

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tới Nhật Bản
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản từ 29/5 đến ngày 2/6/2018.

Chuyến thăm Nhật Bản lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang diễn ra đúng vào dịp hai nước đang tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng với đó, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam — Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên tất cả các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao.

Nhiều chuyên gia đánh giá rằng, chuyến thăm này mang lại những dấu ấn đặc biệt cho sự phát triển quan hệ Việt Nam — Nhật Bản. Để hiểu rõ hơn về kết quả và ý nghĩa của chuyến thăm Nhật Bản vừa qua của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, Bộ ngoại giao Việt Nam.

Sputnik: Ông có đánh giá như thế nào về chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Nhật Bản? Theo ông, những điểm nổi bật nhất, đáng chú ý nhất trong kết quả chuyến thăm này là gì?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao

Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt đối với quan hệ Việt Nam-Nhật Bản vì bốn lý do cơ bản như sau. Thứ nhất, quan hệ hai nước hiện nay đã đạt tầm chiến lược nhưng qua chuyến thăm hai bên vẫn thể hiện mong muốn, quyết tâm nâng cao hiệu quả hợp tác hơn nữa, đồng thời tiếp tục khai phá những lĩnh vực còn tiềm năng.  Như bản Tuyên bố chung cho thấy, hợp tác giữa hai nước sẽ phát triển ngày càng sâu rộng, từ các vấn đề dài hạn, mang tính chất tầm nhìn cho đến các vấn đề cụ thể, kỹ thuật chuyên ngành. 

Thứ hai, việc Nhật Bản dành sự đón tiếp rất trọng thị cho đoàn Việt Nam lần này cho thấy sự tăng lên rõ rệt về mức độ tin cậy và quan hệ gắn bó mật thiết giữa các nhà lãnh đạo và chính phủ hai nước. Chủ tịch nước Việt Nam là khách cấp Nhà nước duy nhất của Nhật Bản trong năm 2018 trong khi Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản có bốn lần gặp gỡ với Chủ tịch nước Việt Nam và Phu nhân, là những cử chỉ chưa từng có. 

Thứ ba, sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm giúp tái khẳng định giá trị đối tác của mỗi bên, trong đó có yếu tố của sự vững bền. Một minh chứng là ở tầm quốc gia, Nhật Bản hiện là nước cung cấp ODA lớn nhất, nhà đầu tư thứ hai, đối tác du lịch thứ ba và thương mại thứ tư của Việt Nam, trong khi khoảng 260 nghìn người Việt hiện đang sinh sống học tập làm việc tại Nhật Bản. 

Nhật Bản và Việt Nam nhất trí tăng cường hợp tác hải quân
Thứ tư, tuy chuyến thăm nằm trong khuôn khổ song phương nhưng nhân dịp này hai bên cũng đã chia sẻ sự tương đồng về quan điểm trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, với xuất phát điểm cho rằng hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển là vừa là các nhu cầu của mỗi nước vừa là cả của cộng đồng rộng lớn hơn, là mối quan hệ gắn bó hữu cơ. 

Trong các nội dung toàn diện được đề cập, thảo luận và đạt nhất trí nhân chuyến thăm, có những điểm nổi bật và gây ấn tượng như mức độ đón tiếp phía Nhật Bàn dành cho đoàn cấp cao Việt Nam, sự tin cậy chính trị cao mà hai bên thể hiện, các cam kết kinh tế chặt chẽ ở cấp độ vĩ mô cũng như các hợp đồng cụ thể (ước tính 2 tỷ USD), sự chia sẻ quan điểm lập trường về nhiều vấn đề nổi lên trong bối cảnh hiện nay như an ninh biển, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, an ninh nguồn nước sông Mê Công, vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Sputnik: Vấn đề Biển Đông được đề cập như thế nào tại đàm phán Việt Nam — Nhật Bản lần này, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao

Nhà vua Nhật Bản đón Chủ tịch Việt Nam tại Hoàng cung
Hai bên nhắc lại lập trường bấy lâu nay, đồng thời bổ sung, nhấn mạnh những khía cạnh nhằm phản ánh những chuyển biến mới nhất tại Biển Đông. Ví dụ như tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và thúc giục các bên liên quan không có các hành động đơn phương có thể làm thay đổi nguyên trạng và phức tạp tình hình, ghi nhận những tiến triển trong đàm phán đồng thời cho rằng các bên liên quan cần sớm hoàn thành Bộ quy tắc COC toàn diện, có hiệu lực và ràng buộc pháp lý. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ nhận thức rằng để bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực, các nỗ lực ngoại giao cần hướng tới việc tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS và một Biển Đông hòa bình và ổn định. Tuyên bố chung cũng nêu Nhật Bản và Việt Nam là các quốc gia biển được hưởng những lợi ích vô giá từ đại dương, hai nhà lãnh đạo chia sẻ quyết tâm phối hợp nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực thông qua việc duy trì và củng cố một trật tự trên biển tự do và rộng mở dựa trên luật lệ. Ở cấp độ triển khai cụ thể, hai bên khẳng định tăng cường hợp tác hơn nữa thông qua các hoạt động thăm viếng, giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao năng lực. Có thể nói, Nhật Bản đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực và bày tỏ ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Sputnik: Từ cách nhìn của ông thì những điểm mới trong quan hệ Việt Nam — Nhật Bản trong bối cảnh hiện nay là gì?

Có gì trong hợp tác Quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản?
Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao

Trên đà thành công của quan hệ, tôi cho rằng hai nước sẽ tiếp tục phối hợp lập trường và triển khai hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực vì lợi ích của mỗi bên cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực. Điểm mới trong quan hệ thể hiện trên các mặt sau. Thứ nhất, thúc đẩy triển khai, đưa các cam kết, thỏa thuận đã có vào giai đoạn mới, ví dụ như hai nhà lãnh đạo bày tỏ sẵn sàng đóng vai trò chủ đạo trong việc đưa Hiệp định CPTPP đi vào hiệu lực sớm nhất có thể. Thứ hai là lĩnh vực hợp tác mới, chẳng hạn, nhân chuyến thăm hai bên đã ký kết, trao đổi 4 văn kiện hợp tác giữa các Bộ, ngành hai nước và 17 giấy phép đầu tư và văn kiện hợp tác giữa doanh nghiệp, địa phương. Thứ ba, do mức độ tin cậy chính trị ngày càng cao, hợp tác trong nhiều lĩnh vực sẽ có điều kiện đi vào chiều sâu và nâng cao tính hiệu quả. Thứ tư, sẽ có nhiều hợp phối hợp, lập trường chính sách và hành động với các vấn đề khu vực, ví dụ thông qua việc tranh thủ vai trò của Việt Nam với tư cách là nước điều phối viên quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021.

Sputnik: Xin chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian cho Sputnik.

Thảo luận