Chiều 5/6/2018, trong phiên xử cuối cùng của vụ án sự cố chạy thận khiến 9 người chết tại bệnh viện Đa khoa Hoà Bình, HĐXX nhận định, đây là vụ án được dư luận quan tâm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng lại có dấu hiệu vi phạm tố tụng, bỏ lọt tội phạm và xuất hiện nhiều tình tiết, bằng chứng mới không có khả năng làm rõ tại toà.
Chính vì vậy, HĐXX quyết định tuyên trả hồ sơ cho VKSND TP Hòa Bình để thực hiện điều tra bổ sung 6 vấn đề. Trong 6 vấn đề được toà án yêu cầu điều tra bổ sung, đáng chú ý, tại điều số 4 kiến nghị điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân đối với bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh, Đặng Thị Huyền và các điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng, Đỗ Thị Điệp, Nguyễn Thị Hậu liên quan đến việc ra y lệnh chạy thận và bàn giao thiết bị sau sữa chữa.
Theo thông tin phóng viên được biết, đến hôm nay (8/6/2018) cơ quan điều tra đã có Giấy triệu tập làm việc đối với BS Nguyễn Mạnh Linh và BS Đặng Thị Huyền.
BS Nguyễn Mạnh Linh và Đặng Thị Thu Huyền là vợ chồng và đều là đồng nghiệp của BS Hoàng Công Lương thuộc Đơn nguyên Thận Nhân tạo, BV ĐK Hoà Bình.
BS Linh do theo học BSCKI tại Hà Nội và BS Huyền trong thời gian nghỉ sinh con đã có đơn xin vắng mặt tại toà ngày 18/5/2018. Vì thế, HĐXX đã công bố lời khai của 2 bác sĩ này tại cơ quan điều tra. Lời khai này được cho là gây bất lợi cho BS Lương bởi từ đó VKS cho rằng BS Lương quản lý đơn nguyên TNT.
Tuy nhiên, trong phiên tòa ngày 30/5, LS Nguyễn Chiến đã đưa ra quan điểm liên quan đến 03 Biên bản ghi lời khai ngày 20/6/2017, 31/6/2017 và 29/1/2018 của bác sĩ Linh. Trong đó, Biên bản ghi lời khai ngày 29/1/2018 khai rõ hơn về bản chất sự việc cho thấy BS Lương bình đẳng như 02 bác sĩ khác và nếu có phải chịu trách nhiệm chuyên môn thì đó là chuyên môn của bác sĩ điều trị chứ không chịu trách nhiệm "công vụ" quản lý đơn nguyên TNT. BS Linh cũng khẳng định không có bất kỳ văn bản hay phân công miệng nào cho BS Lương phụ trách hoạt động đơn nguyên TNT, nhưng Biên bản này "biến mất" trong hồ sơ vụ án.
LS Nguyễn Chiến cho rằng: "Đây là dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ, bởi đây là tài liệu mà chúng tôi cho rằng vô cùng quan trọng và ở góc độ xem xét, bào chữa thì đó là chứng cứ gỡ tội."
Tình tiết này cũng cho thấy, BS Nguyễn Mạnh Linh thống nhất lời khai từ giai đoạn điều tra, truy tố trước khi xét xử vụ án này chứ không phải tại phiên toà mới có Giấy xác nhận thay đổi lời khai có lợi cho BS Lương.
Trao đổi với BS Nguyễn Mạnh Linh về việc trước đó được VKS Nhân dân tỉnh Hoà Bình triệu tập với tư cách người làm chứng, nhưng ở giai đoạn điều tra bổ sung này phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra để làm rõ về trách nhiệm liên quan đến việc ra y lệnh chạy thận.
BS Linh cho biết, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập thì anh phải tuân thủ, anh không có trách nhiệm tự xác định tư cách tố tụng cho mình, nhưng anh có trách nhiệm của người cho lời khai trên tinh thần tôn trọng sự thật khách quan như những gì anh đã làm rõ trong lời khai tại cơ quan truy tố ngày 29/01/2018, tại Giấy xác nhận ngày 05/5/2018 gửi đến cho HĐXX và cũng đã được HĐXX công bố theo đề nghị của Luật sư bào chữa cho bác sĩ Lương. Anh tôn trọng sự thật và có trách nhiệm khai báo những gì mình biết đúng với sự thật.
LS Trần Hồng Phúc: "Tôi phản đối việc xem xét lại trách nhiệm của các bác sĩ, điều dưỡng liên quan đến việc ra y lệnh chạy thận và bàn giao hệ thống lọc nước RO số 2 trong vụ án này"
Trao đổi với Trí Thức Trẻ về quyết định của HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung số 02 ngày 05/6/2018 của Tòa án nhân dân TP Hòa Bình, ở nội dung thứ 4, HĐXX kiến nghị điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân đối với các bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh, bác sĩ Phạm Thị Huyền và các điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng, Đỗ Thị Điệp, Nguyễn Thị Hậu liên quan đến việc ra y lệnh chạy thận và bàn giao hệ thống nước RO số 2 sau khi bảo dưỡng, sửa chữa, LS Trần Hồng Phúc cho biết:
Ở mục này, qua 12 ngày diễn biến phiên tòa đã làm rõ được nguyên nhân sự cố, hành vi khách quan khiến 8 nạn nhân tử vong hoàn toàn không liên quan đến việc ra y lệnh, bởi các bác sĩ đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm về mặt chuyên môn. Điều này cũng đã được Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hòa Bình có sự tham gia của các giáo sư, BS đầu ngành tuyến trên họp và kết luận toàn bộ quy trình khám, chữa bệnh, điều trị là đúng quy trình.
Thứ hai, cả 3 bác sĩ không có trách nhiệm gì về công tác bàn giao thiết bị trước và sau khi sửa chữa hệ thống RO.
"Đây là công việc phối hợp của Phòng vật tư TTBYT với bộ phận điều dưỡng được Trưởng khoa phân công, tại sao lại điều tra bổ sung trách nhiệm đối với bác sĩ Linh và Huyền về vấn đề không liên quan như vậy?" — bà Phúc đặt câu hỏi.
Thứ ba, đối với việc ra y lệnh chạy thận liên quan đến các bác sĩ gồm: Hoàng Công Lương, Nguyễn Mạnh Linh và Phạm Thị Huyền là 3 bác sĩ ở thời điểm xảy ra sự cố được trưởng khoa phân công thực hiện trách nhiệm điều trị lọc máu cho bệnh nhân, bà Phúc cho biết:
"Trách nhiệm của các bác sĩ được quy định đối với trách nhiệm của BS điều trị ở Qui chế bệnh viện 1997 và bước 2 tại quy trình kỹ thuật lọc máu bằng kỹ thuật thận nhân tạo của BVĐK tỉnh Hòa Bình. Nếu như khiên cưỡng sử dụng quy định về quy chế lọc máu trong Quy chế bệnh viện 1997 áp dụng cho mô hình đơn nguyên thận nhân tạo thì bản thân 03 BS này đã làm hết và đúng trách nhiệm của mình ở Quy chế khoa lọc máu. Ngoài công tác chuyên môn về điều trị, họ không có trách nhiệm nào khác cả".
Cần nhấn mạnh rằng việc ra y lệnh không phải là nguyên nhân dẫn đến chết người, BS bắt buộc phải ra y lệnh bởi quá trình lọc máu chu kỳ đối với BN lọc thận nhân tạo khác hoàn với chu kỳ của quá trình điều trị khác. Các bệnh nhân suy thận mạn 1 tuần phải chạy thận tối thiểu 3 lần.
Việc nghỉ ngày thứ 7, CN không phải chỉ cách 1 ngày mà cách đến 2 ngày đã khiến cho độc tố tích lũy trong người nhiều hơn, đến sáng Thứ hai là ngày đã muộn của chu kỳ mà không lọc máu sẽ gây nguy hiểm tính mạng, nguy cơ tử vong là hiện hữu. Điều đó có nghĩa là, nếu bác sĩ chậm trễ ra y lệnh có thể đẩy bệnh nhân đến các tình huống nguy hiểm về tính mạng. Vì vậy, BS ra y lệnh chạy thận là đã tuân thủ quy chế, quy trình và làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình.
Theo: Trí Thức Trẻ