50 năm là khoảng thời gian tương đối dài với nhiều dấu ấn khó quên của đơn vị tính từ ngày đầu thành lập. Với tư cách lãnh đạo, anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình trong thời điểm lịch sử này?
Trong những ngày này, cá nhân tôi cũng như các anh em đồng nghiệp đều cảm thấy tự hào về bề dày lịch sử 50 năm của đơn vị. Điều khiến tôi tự hào nhất là những thước phim của các thế hệ người cầm máy trong kháng chiến để lại. Hiện nay, chúng tôi đang lưu giữ hơn 2000 cuốn phim nhựa — là những thước phim mà cho đến giờ, dù vẫn mày mò học tập nhưng chúng tôi vẫn chưa đạt được thành công như thế hệ đi trước.
Đó thực sự là tài sản vô giá được thực hiện bởi thế hệ vàng mà mỗi lần xem lại, chúng tôi đều cảm phục sức lao động của các bậc cha chú. Họ đã lao động nghiêm túc, cẩn trọng, đặc biệt không ngại hi sinh, gian khổ trong khói lửa chiến tranh. Ví dụ như câu chuyện về bác Nguyễn Ngọc Loan năm 1964 đã hành quân vào giới tuyến quay những thước phim đầu tiên với hành trang gồm chiếc máy quay và số lương thực đủ khả năng mang theo.
Đó là một trong những tấm gương tiêu biểu khiến chúng tôi hiểu rằng tài sản mà thế hệ đi trước để lại cho chúng tôi là vô giá. Điện ảnh — Truyền hình Bộ đội Biên phòng hiện có nhiều tư liệu về giới tuyến tạm thời mà các hãng khác không có và được bảo quản rất tốt. Là những người bước tiếp trên chặng đường 50 năm, chúng tôi cảm thấy rất đỗi tự hào và luôn dành tình cảm đặc biệt để tri ân quá khứ.
Xu thế xã hội hóa Điện ảnh — Truyền hình hiện nay cũng như sự phát triển vượt trội về công nghệ đã có tác động như thế nào đến những người làm Điện ảnh — Truyền hình Bộ đội Biên phòng?
Tôi hiểu và biết có không ít người cho rằng quay máy số thì cứ bấm thoải mái, về chọn sau… Nhưng ở đơn vị, tôi luôn hướng anh em phải học tập thế hệ đi trước, giống như làm phim nhựa, phải hết sức cẩn trọng trong từng góc máy để có sản phẩm truyền hình tốt nhất.
Hiện nay, đơn bị đang sản xuất song song 2 chương trình: "Tạp chí Biên giới biển đảo", phát sóng trên VTC1 và "Bộ đội Biên phòng tiếng Mông" trên VTV5 được đánh giá cao, do sản xuất tốt nên chưa bao giờ bị trả về, làm lại.
Trong những năm gần đây, diễn ra nhiều hoạt động giao lưu đối ngoại với các nước láng giềng và mỗi dịp như thế đều có phần giao lưu trên Truyền hình do Điện ảnh — Truyền hình Bộ đội Biên phòng phối hợp với các đài TH tham gia sản xuất. Các chương trình đều diễn ra tốt đẹp. Thành công này phần lớn là do cấp ủy chỉ huy làm tốt công tác giáo dục về ý thức nghề nghiệp, tác phong làm việc của anh chị em trong đơn vị. Chúng tôi cũng làm cả truyền hình phục vụ diễn tập cho giao lưu nên công tác diễn tập tiết kiệm nhiều về nhân lực, hiệu quả diễn tập cao vì có nhiều người quan sát được bằng hình ảnh. Ở mảng sản xuất phim, với tư cách là chỉ huy, tôi luôn hướng anh em đổi mới phương pháp, tác phong làm việc để những thước phim tuy chưa bằng thế hệ đi trước nhưng cũng đạt được những tư tưởng nghệ thuật nhất định.
Người lính làm nghệ thuật vừa là nghệ sỹ vừa là chiến sỹ. Điều đó có thuận lợi và khó khăn gì, thưa anh?
Thuận lợi đầu tiên: Là chiến sỹ, chúng tôi hiểu được công việc của người lính cho nên khi triển khai tác nghiệp sẽ không có trở ngại. Các thuật ngữ về quân sự, các chiến thuật, bộ phận công tác của Bộ đội Biên phòng đều đã nắm được hết vì vậy mỗi khi tác nghiệp xuống cơ sở, chúng tôi biết phải làm gì nên thời gian tác nghiệp ngắn, công việc đạt độ chính xác cao hơn. Thuận lợi tiếp theo là được quân đội quan tâm đầu tư thích đáng, trang bị đầy đủ về phương tiện đi lại, máy móc tác nghiệp kịp với xu thế phát triển của điện ảnh — Truyền hình hiện nay. Đời sống vật chất tinh thần của bộ đội được đảm bảo.
Tuy nhiên, về mặt cảm xúc sáng tác, đôi khi vì biết rồi nên ít nhiều bị chai sạn. Đây là khó khăn thực sự của người nghệ sỹ chiến sỹ. Điều nữa, là người lính đôi khi hơi cứng nhắc thành ra tác phẩm thiếu mềm mại hơi có chút nghiêm túc, khuôn mẫu. Đây là điều khó cho tác nghiệp.
Ngày 15/6 đánh dấu cột mốc 50 năm ra đời và phát triển với nhiều tên gọi khác nhau, tới hiện nay là Điện ảnh — Truyền hình Bộ đội Biên phòng. Nhìn lại quá khứ rất đỗi tự hào, hẳn nhiên thế hệ kế cận các anh sẽ có chút áp lực phải giữ vững truyền thống truyền thống vẻ vang đó. Vậy mục tiêu của đơn vị trong thời kỳ mới là gì?
Trong giai đoạn tiếp theo, đơn vị chủ trương giữ được sự ổn định về tổ thức để phát triển; Tập trung đầu tư sản xuất phim chuyên đề, chuyên sâu về mảng phòng chống ma túy và tội phạm vì đây là vấn nạn đe dọa an ninh biên giới an toàn xã hội Việt Nam. Chuyên đề này có mục đích không chỉ quảng bá về nhiệm vụ của bộ đội biên phòng mà còn cảnh báo cho người dân không tiếp tay cho ma túy, không tham gia hoạt động buôn bán ma tuý.
Một chuyên đề khác được chúng tôi tập trung là Cửa khẩu Việt Nam — nói lên nhiệm vụ vẻ vang của người lính Biên phòng và vai trò vị trí cửa khẩu trong thời kỳ đất nước hội nhập. Bởi, các chiến sỹ biên phòng là người đầu tiên đón các vị khách quốc tế đến thăm, làm ăn ở Việt Nam và là người cuối cùng tiễn họ vì thế loạt phim này có ý nghĩa đặc biệt. Nhiệm vụ tiếp theo là chủ trương đi vào chuyên đề chuyên sâu, tiếp cận các mảng đề tài đậm hơn. Ví dụ vùng đất biên cương xa xôi của tổ quốc rất cần xã hội chung tay vun xới cho tốt tươi hơn trong đó có vai trò đáng kể của người lính Điện ảnh — Truyền hình Bộ đội Biên phòng khi mà mỗi thước phim do chúng tôi cung cấp đều gây xúc động mạnh cho khán giả cả nước.
Điều cuối cùng, rất quan trọng, là dù ở đề tài nào, phim hay chuyên đề…thì tất cả các tác phẩm đều được thực hiện theo công thức như các bậc tiền bối đã làm khi xưa. Đó là cẩn trọng trong từng khuôn hình, góc máy với phương châm nghệ sỹ nhưng cũng là nghệ sỹ!
Nguồn: thegioidienanh