Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam

Bác Hồ - người sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là một nhà báo xuất sắc, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng nước ta.
Sputnik

Những lời dạy của Người về báo chí cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị dù hoàn cảnh chung của đất nước, tính chất, nội dung và những nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng ngày nay đã khác nhiều so với các giai đoạn cách mạng trước đây.

Trong một bức thư gửi trí thức Nam Bộ, trong đó có các nhà báo, (thư đề ngày 25/5/1947) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc".

Đất nước ta giờ đã được độc lập, Tổ quốc ta đã thống nhất. Nhưng không phải vì thế mà các nhà báo Việt Nam hết việc để làm, vì hai nhiệm vụ "phò chính" và "trừ tà" vẫn còn phải được các nhà báo coi là phần quan trọng trong sự nghiệp làm báo của mình.

Viết thế nào cho trung thực và dám chấp nhận trả giá cho sự trung thực của ngòi bút mình, điều đó thực sự khó khăn, vì nó đụng chạm tới mọi mặt của đời sống nhà báo, những được và mất rất hiện thực của cuộc đời nhà báo.

"Phò chính, trừ tà", Bác Hồ chỉ đề ra cái sứ mệnh gồm 4 chữ cho các nhà báo, nhưng nó gần như bao quát cả sự nghiệp của những nhà báo chân chính. Bây giờ, chúng ta đều biết, ngay "phò chính" cũng không hề dễ, chứ đừng nói tới "trừ tà".

Bởi phải biết đâu là "chính" thì mới "phò" đúng được, vì nhiều khi giữa "chính" với "tà" không đơn giản chỉ là "trắng" và "đen", mà còn có những điểm đan xen, những vùng "xôi đậu" trộn lộn buộc nhà báo phải tinh tường và có lương tâm mới phân biệt ra được. Trước một vụ việc phải phân định được đúng, sai, phải cân đong đo đếm được những mức độ của phải và trái, thì mới viết được bài báo đúng với tiêu chí của Bác Hồ đặt ra là "phò chính" và "trừ tà". Nếu nhà báo lẫn lộn ngay từ khâu phân định, thì không mong gì họ có được những bài báo trung thực và tích cực.

Trong sự nghiệp làm báo của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ bài báo đầu tiên đã cố gắng để viết ngắn nhất và nói rõ nhất điều mình muốn nói cho đông đảo người đọc có thể chia sẻ được. Chính vì rèn luyện được phong cách viết báo cô đọng và giản dị như thế mà trong nhiều trường hợp, những câu chữ ngắn gọn, dễ hiểu của Bác Hồ lại phải được người đọc suy ngẫm để cảm thấu được những biên độ cả trong và ngoài chữ nghĩa của Bác.

 Cuộc đời làm báo 60 năm của Hồ Chí Minh được đánh dấu bởi bài báo đầu tiên "Vấn đề bản xứ" đăng trên tờ L'Humanitê  ngày 2/8/1919, và khép lại với bài báo cuối cùng "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng" đăng trên báo Nhân Dân ngày 1/6/1969, Bác không những để lại hàng nghìn bài báo với đủ thể loại, mà còn là người sáng lập, tổ chức, điều hành hoạt động, biên tập, trình bày hàng chục tờ báo cách mạng qua những thời kỳ khác nhau.

Với bề dày và kinh nghiệm đích thực của một người làm báo, khi nói chuyện tại Đại hội lần thứ ba Hội Nhà báo Việt Nam, Bác đã thân tình: "Bây giờ Bác lấy tư cách một đồng chí ít nhiều có kinh nghiệm về báo chí, nêu vài ý kiến sau đây…". Vì thế, mỗi khi Bác phát biểu hoặc bàn luận về vấn đề nào đó thuộc lĩnh vực báo chí là đều được Bác dẫn chứng từ chính hoạt động báo chí của mình với tất cả những tri thức nghề nghiệp cùng những kinh nghiệm sống động mà Bác đã trải nghiệm. Điều đặc biệt ở chỗ, những ý kiến được Bác bàn luận không hề là lý thuyết tư biện, mà chúng được bảo hiểm bằng hàng ngàn tác phẩm báo chí mà Bác đã viết lúc sinh thời.

Vừa là hoạt động chính trị xã hội, vừa là hoạt động sáng tạo — nghề báo là một loại hình nghề nghiệp đặc biệt. Người làm báo với tư cách là chủ thể sáng tạo phải có đạo đức, phẩm chất chính trị và kỹ năng nghề nghiệp.

Bản sao chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, do Chủ tịch Việt Nam tặng chuyên gia Liên Xô N. Maksimov

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nói đến báo chí trước hết là nói đến cán bộ báo chí", họ là người cán bộ cách mạng, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Người làm báo phải là những Chiến sĩ trên mặt trận báo chí. Đây là tư tưởng bao trùm, quán xuyến của Hồ Chí Minh về người làm báo. Người nói về tư cách chiến sĩ của nhà báo: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Trên mặt trận báo chí, người làm báo phải có phẩm chất chính trị vững vàng. Bác nhắc nhở: Trong các đồng chí cũng còn có người hoặc ít hoặc nhiều chưa thoát khỏi ảnh hưởng tư sản và tiểu tư sản, cho nên nắm vấn đề chính trị không được chắc chắn. Bác căn dặn: Chính vì thế, cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Bác đã cụ thể hóa phẩm chất chính trị của một nhà báo phải được thể hiện từ việc xác định đối tượng phục vụ và nhiệm vụ của báo chí là: để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên báo chí phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu; phải xác định thật rõ ràng đường lối chiến lược của Đảng; phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản. 

Để người làm báo ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn, tác phẩm báo chí ngày càng có hiệu ứng tích cực đối với xã hội, Bác đưa ra những lời khuyên chân thành:

"Muốn viết báo thì cần: 1. Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi cho những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4. Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ".

Đối tượng phục vụ của báo chí là công chúng, vì thế, công chúng phải hiểu được nội dung bài báo sau khi đọc. Vì thế Bác lưu ý người cầm bút phải nắm được trình độ, tâm tư, nguyện vọng của công chúng. Hiểu và học tập lời ăn, tiếng nói của nhân dân. Người cũng nêu ra nhận thức biện chứng rằng, trình độ nhận thức của công chúng không phải là "nhất thành bất biến" mà ngày một nâng cao. Báo chí phục vụ công chúng phải góp phần nâng  trình độ của họ ngày một cao hơn, các tác phẩm báo chí phải ngày một tăng về hàm lượng trí tuệ. Đó là cách tốt nhất để tạo nên độc giả của báo chí trong thời đại khoa học-công nghệ, kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế hiện nay.

Bác thường xuyên yêu cầu tác phẩm báo chí phải ngắn gọn nhưng hàm lượng thông tin phải dồi dào. Làm được như vậy đòi hỏi nhà báo phải có khả năng khái quát, hệ thống hóa. Gốc rễ của vấn đề là năng lực tư duy của người làm báo.

 Nguồn: congly

 

Thảo luận