Hoa hậu Phương Nga có thể kiện ngược lại đại gia Cao Toàn Mỹ?

Theo các chuyên gia, nếu kết quả việc phục hồi điều tra không chứng minh được phạm tội, thì Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga có quyền khởi kiện lại người tố cáo và đòi bồi thường.
Sputnik

Mới đây, Công an TP.HCM có quyết định phục hồi điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phục hồi điều tra bị can đối với Trương Hồ Phương Nga (31 tuổi, Hoa hậu người Việt tại Nga) cùng Nguyễn Đức Thùy Dung (29 tuổi). Hai người từng bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 16,5 tỷ đồng của ông Cao Toàn Mỹ (41 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) thông qua việc lừa mua nhà giá rẻ.

Tiếp tục đề nghị truy tố hoa hậu Phương Nga tội lừa đảo “hợp đồng tình dục”

Vì sao vụ án liên quan Hoa hậu Phương Nga phải phục hồi điều tra?

Liên quan đến vụ án của hoa hậu Phương Nga, Luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) cho biết việc phục hồi điều tra lần này có thể được coi là một giai đoạn đặc biệt của quá trình điều tra bởi vì không phải vụ án nào cũng có bước này. Giai đoạn phục hồi điều tra được thực hiện khi có những tình tiết đặc biệt và trước khi có những tình tiết này vụ án đã được đình chỉ hoặc tạm đình chỉ khi đã hết thời hạn điều tra mà chưa chứng minh được hành vi tội phạm.

"Căn cứ để phục hồi điều tra được quy định tại khoản 1 Điều 235 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (gọi tắt BLTTHS năm 2015), cụ thể để phục hồi điều tra thì phải đáp ứng hai điều kiện: Có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra; Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc tội phạm đã được đại xá mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra", LS Chánh chia sẻ.

Vụ Hoa hậu Phương Nga: Vợ đại gia Cao Toàn Mỹ bất ngờ lên tiếng
LS Võ Thanh Khương (Đoàn LS TP.HCM) cho biết thêm phục hồi điều tra là một giai đoạn của quá trình điều tra vụ án, do đó những trình tự, thủ tục, thẩm quyền, quyền và nghĩa vụ của các bên trong vụ án đều tương tự trong các giai đoạn điều tra thông thường. Quyền và nghĩa vụ của bị can trong giai đoạn phục hồi điều tra được quy định rõ tại khoản 2 và khoản 3 Điều 60 BLTTHS năm 2015.

Liệu hoa hậu Phương Nga có thể kiện lại người tố cáo?

Theo LS Khương, nếu kết quả phục hồi điều tra không chứng minh được Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung phạm tội thì cơ quan điều tra cần ra quyết định đình chỉ điều tra. Người tố cáo không phải chịu trách nhiệm của việc cơ quan điều tra không chứng minh được tội phạm, mà tùy theo việc tố cáo đó, người tố cáo có vi phạm pháp luật không thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Ví dụ: vu khống, làm giả tải liệu, chứng cứ,…

"Và tùy theo diễn biến vụ việc, hoa hậu Phương Nga có thể khởi kiện người tố cáo nếu chứng minh được người tố cáo vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự hoặc xâm phạm quyền lợi nào đó của mình", LS Khương cho biết.

Vụ "hợp đồng tình ái": Phục hồi điều tra đối với hoa hậu Trương Hồ Phương Nga
Đồng tình, LS Chánh cho rằng trong trường hợp hết thời hạn điều tra mà vẫn không chứng minh được Phương Nga và Thùy Dung có tội, thì căn cứ tại khoản 2 Điều 232 BLTTHS năm 2015, Cơ quan điều tra phải ra bản kết luận điều tra và đình chỉ vụ án.

Hoặc sau khi Tòa án ra bản án xác định Phương Nga, Thùy Dung vô tội thì theo quy định của Luật Tố cáo năm 2011, người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo của mình và phải bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

"Nếu có căn cứ cho rằng người tố cáo đã cố ý bịa đặt, vu khống cho Phương Nga, Thùy Dung thì người tố cáo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống quy định tại Điều 156 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể người tố cáo sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm", LS Chánh nhận định.

Cũng theo các chuyên gia, chưa thể bình luận về tội danh cũng như hình phạt khi chưa có phán quyết của Tòa án.

Tuy nhiên, nếu việc phục hồi điều tra có đủ căn cứ chứng minh Hoa hậu Phương Nga có tội thì khung hình phạt áp dụng trong trường hợp này là khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc chung thân. Thời gian tạm giữ, tạm giam trước đó sẽ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù theo khoản 1 Điều 138 BLHS năm 2015.

 Theo: Thanh Niên

Thảo luận