Theo hãng tin AP, tàu sân bay USS Ronald Reagan nặng 97.000 tấn, chở hơn 70 máy bay, đã cập cảng Vịnh Manila ngày 26-6. Cùng hộ tống tàu sân bay này là 2 chiến hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS Antietam và USS Chancellorsville.
Phát biểu trước báo giới, Phó đô đốc Mỹ, ông Marc Dalton, khẳng định sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực "đã chứng tỏ năng lực của chúng tôi trong việc bảo vệ đất nước và các đồng minh", đồng thời "nâng cao khả năng bảo vệ tự do trên các vùng biển, bảo vệ hoạt động thương mại không bị cản trở, ngăn chặn xung đột và sự cưỡng ép, cổ vũ việc tuân thủ trật tự thế giới dựa trên luật pháp".
Trước tàu sân bay USS Ronald Reagan, đã có 2 tàu sân bay khác của Mỹ tham gia tuần tra Biển Đông trong năm nay.
Thời gian qua, nhiều cơ quan tình báo cũng như truyền thông quốc tế đã phản ánh tình trạng Trung Quốc đưa các loại tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không, thiết bị gây nhiễu điện tử và nhiều loại vũ khí, khí tài quân sự khác ra những hòn đảo nhân tạo do nước này bồi đắp và tuyên bố chủ quyền trái phép tại Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định chừng nào Bắc Kinh còn tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo, chừng đó Washington sẽ còn tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên Biển Đông.
Đầu tháng này, thông báo Mỹ đã không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia trong mùa hè này, động thái được xem như "phản ứng bước đầu" của Washington với những hoạt động gây hấn của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Trong diễn biến liên quan, ngày 26-6 ông Mattis cũng đã có mặt tại Bắc Kinh trong hành trình công du 3 nước châu Á của ông, trong đó có Trung Quốc. Được biết trong chương trình nghị sự của ông Mattis tại Bắc Kinh, ngoài những vấn đề an ninh trọng yếu, Biển Đông cũng là một trong những nội dung chính được bàn thảo.
Theo: AP, Tuổi trẻ