Bao giờ mới sánh ngang với Singapore, Thái Lan?

Nửa chặng đường của năm 2018 đã trôi qua, hôm nay (2/7), Chính phủ tổ chức cuộc họp trực tuyến bàn về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy DN phát triển tiếp tục là nội dung đáng chú ý. Dù có nhiều cải thiện, nhưng Việt Nam vẫn đứng sau 4 nước ASEAN về môi trường kinh doanh.
Sputnik

Nhiều tỉnh, bộ ngành vẫn còn chậm

Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đánh giá mức độ quan tâm của các bộ, ngành, địa phương đã cải thiện nhiều so với trước.

Mặc dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn băn khoăn: Tuy đã sang năm thứ 5 thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng một số địa phương vẫn chưa hiểu rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cũng như cách tiếp cận của các chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế. Đến 26/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được Chương trình, Kế hoạch hành động Nghị quyết 19 của 30 địa phương.

sản xuất

Liên quan đến việc cắt giảm "giấy phép con" điều kiện kinh doanh bất hợp lý, tính đến hết quý II/2018, mới chỉ có 738 điều kiện kinh doanh trên tổng số hơn 5700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ và sửa đổi hoặc đơn giản hoá.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận: Trung bình số điều kiện kinh doanh được đề xuất cắt bỏ, sửa đổi chiếm 54%, trong đó số điều kiện kinh doanh đề xuất cắt bỏ đạt 36%. Tuy nhiên, nhiều điều kiện kinh doanh (đề xuất cắt bỏ, sửa đổi) được quy định tại các văn bản Luật, do vậy thời gian đạt mục tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh sẽ kéo dài hơn.

Các yêu cầu về cải cách quy định và thủ tục thông quan qua biên giới (bao gồm hải quan và quản lý chuyên ngành) đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có cải thiện hơn, nhưng vẫn rất chậm. Cá biệt, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số quy định tại các văn bản sửa đổi, bổ sung nêu trên thậm chí còn thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền phức hơn cho doanh nghiệp so với trước đây. Ví dụ như thủ tục chuẩn bị tờ khai hải quan theo Thông tư 39/2018/TT-BTC tăng thêm và gây tốn kém thời gian hơn cho doanh nghiệp.

Việc rà soát, đề xuất cắt giảm 50% danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành có chuyển biến, nhưng mới chỉ tập trung ở một số ít Bộ. Đa số các Bộ chưa quyết liệt triển khai nhiệm vụ này.

Singapore triệt phá đường dây lớn chuyên tổ chức kết hôn giả với phụ nữ Việt

Top đầu ASEAN: Bao giờ?

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng: Giả sử chúng ta muốn cải thiện môi trường kinh doanh bằng mức ASEAN 4, thì môi trường kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới phải tăng thêm 28 bậc, tức nằm ở top 40. Còn muốn đạt trung bình ASEAN 3 (Thái Lan, Singapore, Malaysia) thì phải vào top 20.

Đây là điều những người tham mưu chính sách như ông Hiếu cũng "chưa dám đặt ra mức trung bình ASEAN 3".

"Còn bao năm nữa để hoàn thành Nghị quyết 19?" ông Hiếu tự hỏi: "Việc hoàn thành cải cách đủ và đúng thời hạn là rất quan trọng. Ở Hàn Quốc, khi họ thực hiện cải cách quy chế vào năm 1999-2002, thì trong vòng 3 năm họ thực hiện dứt điểm việc cải cách quy chế. Họ rà soát 11 nghìn văn bản và bãi bỏ 6 nghìn văn bản".

"Thời gian là rất quan trọng", lãnh đạo CIEM chốt lại.

Nói về một trong các trọng tâm của cải cách là xóa bỏ điều kiện kinh doanh, ông Hiếu cũng đặt ra câu hỏi: Khi nào hoàn thành?

"Điều kiện kinh doanh không chỉ quy định ở Nghị định mà còn có trong các luật. Như vậy muốn sửa luật thì không thể tính bằng tháng, bằng năm, mà thậm chí phải tính bằng vài năm. Để hoàn thành việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, câu hỏi của tôi là còn bao nhiêu năm nữa mới có thể hoàn thành đầy đủ theo đúng yêu cầu của Chính phủ khi mà ta phải sửa cả luật", ông Hiếu băn khoăn.

"Tôi cho rằng nếu như làm tốt trong vòng 2 năm tới, với nỗ lực cao nhất thì đã là một thành công", ông Phan Đức Hiếu nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bày tỏ: "Cũng lâu lắm rồi chúng ta mới thấy những chuyển động tương đối đồng đều của các bộ".

Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận thực tế chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa lọt vào top 4 ASEAN mà vẫn ở vị trí thứ 5. Đơn cử Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ DN bình quân đầu người thấp nhất thế giới nhưng chỉ số khởi sự kinh doanh vẫn nằm ở mức 123 thế giới.

"Đây là điểm rất đáng lo ngại. Việt Nam cần nhiều DN tư nhân mới nhưng để họ bước vào thị trường thực sự thuận lợi vẫn chưa", chuyên gia VCCI lưu ý.

Đánh giá việc giảm chi phí cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn thấy rằng: 1 năm qua, các chính sách đưa ra phần lớn lại là tăng thu, chính sách giảm thu có một số thông tư của Bộ Tài chính nhưng rất nhỏ. Các đề xuất chính sách gần đây đậm chất tăng thu, như luật sửa 6 luật thuế, tăng thu thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu… Một vài địa phương cũng đề ra các khoản thu mới như phí hạ tầng cảng biển ở Hải Phòng, nhiều địa phương bằng cách này hay cách khác cũng tìm cách tăng tiền sử dụng đất.

"Cho nên áp lực chi phí cho DN rất cao", ông Tuấn nhấn mạnh.

Đó là chưa kể khu vực tư nhân nhỏ, bé, yếu ớt của Việt Nam lại đang chịu gánh nặng thuế nhiều hơn cả khu vực FDI, và tư nhân trong nước cũng đóng góp vào ngân sách nhiều nhất.

"Thông điệp ở đây là khu vực tư nhân trong nước cần được quan tâm hơn nữa, được thụ hưởng các chính sách tốt hơn để khu vực này mạnh hơn trong tương lai. Suy cho cùng đây mới là nền tảng trụ cột của bất cứ nền kinh tế nào", ông Đậu Anh Tuấn đúc kết.

Nguồn: vietnamnet

Thảo luận