Trong khối RCEP gồm các thành viên ASEAN, còn thêm Australia, Ấn Độ, Trung Quốc, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng tham gia. Lập trường bảo hộ của Tổng thống Mỹ Trump đã là xung lực kích thích những nền kinh tế hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương thể hiện sự trung thành với thương mại tự do đến mức nào? Theo yêu cầu của Sputnik, các chuyên gia Nga và Trung Quốc cho biết ý kiến bình luận về đề tài này.
Như đã tuyên bố ở phần cuối cuộc gặp Tokyo, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực — RCEP có triển vọng được ký kết trong vòng một năm. Như vậy, có thể nói về tiến bộ nghiêm túc trong cuộc đàm phán về RCEP, — ông Andrei Karneev Phó Giám đốc Viện Các nước Á-Phi thuộc ĐHTH Quốc gia Matxcơva bình luận. Kết quả hoàn toàn tiên liệu được, và nó không nhất thiết phải ràng buộc với hành động gần đây của Tổng thống Trump có tính chất phá hoại chuẩn mực thương mại quốc tế. Sai lầm đã xuất hiện cả từ thời ban lãnh đạo nước Mỹ tiền nhiệm của Barack Obama, từng công nhiên phản đối hai tiến trình đàm phán — về Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và về RCEP.
Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong tiến trình đàm phán về RCEP. Và người Mỹ thực sự đặt các đối tác của họ trước sự lựa chọn — hoặc là chơi theo quy tắc của Hoa Kỳ và tương ứng là gây áp lực với Trung Quốc, hoặc chọn định dạng tích hợp thay thế. Như lưu ý của nhiều chuyên gia, tối hậu thư khắc nghiệt như vậy đã gây bối rối cả cho những nước có ràng buộc với Washington bằng những thỏa thuận chính trị-quân sự. Nhiều Chính phủ thấy hai định dạng này là bổ sung cho nhau và chưa sẵn sàng lựa chọn ai — Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Áp lực thực tế lan cả đến mối liên hệ với Nga. Người Mỹ ráo riết gây sức ép với các nước châu Á, mà trước hết là với các doanh nghiệp và ngân hàng lớn, hối thúc họ theo biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Matxcơva. Trong cách tiếp cận như vậy của Washington tới việc xây dựng chính sách thương mại-kinh tế, nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương nhìn thấy rõ bằng chứng rằng Mỹ chỉ thuần túy thúc đẩy lợi ích độc quyền riêng. Bất kể là thời Trump thay đổi những ngôn từ hùng biện và ưu tiên, ít có gì khác trước. Có chăng là niềm tin vào Hoa Kỳ ngày càng trở nên cạn kiệt. Vì thế trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp Tokyo đã lưu ý rằng trong bối cảnh hiện nay khi nền thương mại toàn cầu đối mặt với thách thức từ chủ nghĩa bảo hộ đơn phương độc đoán, điều quan trọng then chốt là nhanh chóng hoàn tất đàm phán về RCEP, — chuyên gia Andrei Karneev khái quát.
Đại diện Trung Quốc tại cuộc gặp là phái đoàn gồm các quan chức Bộ Thương mại, Ủy ban Nhà nước về Phát triển và Cải cách, Bộ Công nghiệp và Thông tin, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như Tổng cục Hải quan. Danh sách đại diện rộng rãi với nhiều cơ quan Chính phủ nói lên rằng ở đây không chỉ là nguyện vọng trừu tượng muốn thấy một khối thương mại mới, mà là về bước tiến nghiêm túc tới những thỏa thuận thực tế. Đối với Bắc Kinh, tiến bộ trong đàm phán về RCEP hiện giờ là đặc biệt quan trọng khi những rạn nứt Trung-Mỹ vẫn tiếp diễn trên bình diện thương mại. Điều đó sẽ động chạm như thế nào đến vị thế của Hoa Kỳ trong khu vực, nếu như bản thỏa thuận về việc tạo lập RCEP được ký kết? Chuyên gia Jia Pujing từ Đại học Nhân dân Trung Quốc trả lời câu hỏi này.
Chủ nghĩa bảo hộ thương mại độc đoán đơn phương của Trump đặt ra mối đe dọa cho nền kinh tế thế giới, mà trong nhiều thập kỷ đều dựa trên hệ thống thương mại đa phương, và ở một mức độ nào đó thậm chí Trump đã phá hủy nghiêm trọng hệ thống này. Thành công tương đối của cuộc đàm phán về RCEP tạo cơ sở để hy vọng sẽ ký kết thỏa thuận trong vòng năm nay. Hiện tại nhiều nước đang thể hiện quyết tâm bảo vệ hệ thống thương mại đa phương. Đương nhiên, điều này gắn với động thái khiêu khích thương mại, mà Trump muốn có trên quy mô toàn cầu. Việc ký kết các thỏa thuận về RCEP sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hội nhập thị trường của khu vực Tây Thái Bình Dương, tức là toàn bộ thị trường Đông Bắc Á, giúp đỡ nghiêm túc cho đà phát triển thương mại-kinh tế khu vực.
Về ảnh hưởng với Hoa Kỳ, tôi cho rằng cần phân biệt rõ giữa những gì người Mỹ nói và những gì họ làm. Nếu xét theo lời nói, thì Hoa Kỳ ủng hộ rút khỏi hệ thống thương mại đa phương, kể cả Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, mà nhấn vào đàm phán thương mại song phương. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hành động của Hoa Kỳ, thì thấy họ hiện thời chưa tạo ra cấu trúc thương mại mới, ngay cả thúc đẩy đàm phán song phương với Nhật Bản và các đồng minh khác cho đến nay vẫn không thành công. Hoạt động chức năng của nền kinh tế Mỹ tiếp tục diễn ra trong các cấu trúc đa phương hiện có. Do đó, đối với Hoa Kỳ thì trong tương lai RCEP cũng có thể là hữu ích.