Năm ngoái, tàu sân bay trực thăng Izumo của Nhật đã có chuyến đi tương tự.
"Đây là một phần nỗ lực của Nhật Bản nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ — Thái Bình Dương tự do và mở" — một quan chức nước này tiết lộ với Reuters. Chuyến đi sắp tới của tàu Kaga dự kiến bắt đầu vào tháng 9 và kéo dài 2 tháng.
Cùng với một tàu hộ tống, con tàu dài 248 m này sẽ thăm một số nước Đông Nam Á, Ấn Độ và Sri Lanka. Tại các điểm dừng chân, Kaga có thể tập trận chung với tàu chiến của các nước tại khu vực. Vào tháng 5, tàu đổ bộ JS Osumi của Nhật Bản cũng có chuyến đi kéo dài 2 tháng đến khu vực này.
Bước đi nói trên cho thấy Nhật Bản chia sẻ mối quan ngại của Mỹ về việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực có các tuyến giao thương hàng hải quan trọng này. Lo lắng của Tokyo còn đến từ nguy cơ Bắc Kinh leo thang khiêu khích ở biển Hoa Đông, nơi 2 nước đang tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Bắc Kinh hiện không chỉ ngang nhiên tuyên bố chủ quyền hầu hết biển Đông mà còn đẩy mạnh hoạt động của hải quân tại Ấn Độ Dương. Đáp lại, Mỹ thường xuyên cho tàu chiến tuần tra ở biển Đông và gần đây đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ — Thái Bình Dương. Ngoài Nhật Bản, một số đồng minh khác của Mỹ, như Anh, Pháp, Úc cũng đang thực thi quyền tự do đi lại ở biển Đông.
Viết trên tạp chí Forbes, chuyên gia Panos Mourdoukoutas của Trường ĐH Long Island (Mỹ), nhận định mưu đồ độc chiếm biển Đông — đóng vai trò quan trọng trong tham vọng trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới — đang đẩy Trung Quốc vào tình thế "một mình chống lại tất cả".
Điều đáng nói là hải quân của nhiều nước sẵn sàng thách thức tham vọng của Trung Quốc, nhất là các quốc gia phương Tây, từ đó tác động mạnh mẽ đến chính sách của Trung Quốc tại khu vực. Dù chưa rõ Bắc Kinh có chuẩn bị đối phó với thách thức mới nói trên hay không, ông Mourdoukoutas nhắc nhở rằng những quốc gia chơi trò "một mình chống tất cả" đều có có kết cục thất bại.
Nguồn: nld