Một cuộc chiến tranh thương mại tổng lực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung Quốc đã chính thức bắt đầu.
Cụ thể, Mỹ áp thuế 25% lên 800 mặt hàng có tổng kim ngạch 34 tỉ USD từ Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố áp thuế tương tự lên 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm nông sản (thịt bò, heo, đậu…), ô tô và hải sản.
Thịt heo từ Mỹ, Trung Quốc tràn vào Việt Nam
Đáng chú ý Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với mặt hàng thịt heo của Mỹ, nâng tổng mức thuế mà thị trường này áp lên thịt heo của Mỹ đến 71%, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Với mức thuế cao như vậy, thịt heo từ Mỹ khó có cửa vào Trung Quốc, buộc phải tìm các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh đó giá thịt heo Việt Nam lại đang ở mức cao đã tạo điều kiện cho nguồn cung thịt Mỹ cũng như thịt từ các nước khác tràn vào Việt Nam với số lượng lớn và giá rẻ ngày càng nhiều.
Thật ra không phải đến bây giờ mà ngay từ lúc Mỹ và Trung Quốc liên tục dọa sẽ áp thuế cao lên hàng ngàn mặt hàng của nhau thì thịt nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam đã bắt đầu tăng mạnh.
Bằng chứng rõ nhất là theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, chỉ riêng trong tháng 5, nhập khẩu thịt từ Mỹ chiếm tỉ lệ cao nhất với khoảng 37%, tương đương gần 11.000 tấn, trị giá hơn 13 triệu USD.
Con số này tăng gần 50% về lượng và hơn 24% về giá trị so với tháng trước đó. Như vậy Mỹ trở thành nguồn cung thịt lớn nhất trên thị trường Việt Nam.
Lý giải về điều này, ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình, cho rằng nguyên nhân đầu tiên là giá thịt heo Việt Nam đang quá cao, nếu không muốn nói là cao nhất, nhì thế giới.
Giá heo hơi tại Việt Nam hiện ở mức 48.000-50.000 đồng/kg, trong khi đó mức giá thịt heo đã qua giết mổ nhập khẩu vào nước ta chỉ hơn 1.500 USD/tấn. Tính ra thịt nhập chỉ khoảng 1,5 USD/kg, tương đương gần 35.000 đồng/kg.
"Giá thịt heo trong nước cao đúng thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ. Trung Quốc đánh thuế cao đối với thịt nhập từ Mỹ.
Hơn nữa, một thị trường lớn khác của thịt từ Mỹ là Mexico cũng tuyên bố sẽ áp mức thuế 20% đối với một số loại thịt heo tươi và đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ. Gặp khó ở hai thị trường chính nên thịt heo từ Mỹ sẽ nhập vào thị trường Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới" — ông Bình phân tích.
Không chỉ thịt heo đông lạnh giá rẻ nhập khẩu từ Mỹ đổ vào Việt Nam tăng mà nhiều doanh nghiệp lẫn hiệp hội còn lo thịt heo Trung Quốc cũng tràn vào theo con đường tiểu ngạch vì giá heo nước này đang rẻ hơn Việt Nam 8.000-10.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết các thương lái tìm mọi cách nhập heo Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch vào nước ta để kiếm lời. Gần đây, cơ quan chức năng liên tục bắt giữ các xe chở heo Trung Quốc nhập lậu đang trên đường vận chuyển về nước ta tiêu thụ.
Cần có kịch bản ứng phó
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho rằng để sản phẩm thịt nói riêng và nông sản nói chung trong nước không bị thua ngay trên sân nhà, con đường duy nhất của ngành chăn nuôi là cần cải tiến công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.
Bên cạnh đó nên có quy định các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo phải có hạn ngạch (quota) chứ không để họ muốn nhập bao nhiêu cũng được mà không được kiểm soát chặt chẽ. Đây là cách mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước, bảo vệ người tiêu dùng.
Đại diện một công ty chăn nuôi trong nước cũng cho rằng cần kiểm soát chất lượng thịt nhập và đây mới là điều quan trọng nhất. Bởi có làm như vậy, thịt hết đát, thịt kém chất lượng, nhiễm kháng sinh… mới hết đường tuồn vào Việt Nam.
"Để kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu cũng như ổn định thị trường trong nước, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm này khi nhập vào Việt Nam phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, giá thành hợp lý" — vị đại diện doanh nghiệp này nhấn mạnh.
Coi chừng bị vạ lây
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp phân tích: Việt Nam chịu tác động hai chiều từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, cả tích cực và tiêu cực. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, về mặt tích cực, khi Mỹ không nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nữa sẽ có thể nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Đây là cơ hội để Việt Nam tăng cường năng lực sản xuất trong các lĩnh vực như nông sản, lắp ráp điện tử. Ngược lại, những mặt hàng của Mỹ không thể xuất sang TQ do thuế cao sẽ chảy sang nước ta.
Tương tự, khi bị Mỹ áp thuế cao, hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Điều này đã xảy ra trong thời gian vừa qua như sắt, thép, xi măng…
Ngược lại, khi Trung Quốc không nhập khối lượng hàng nông sản và nhiều mặt hàng khác rất lớn từ Mỹ sẽ tìm đến các thị trường khác để mua. Đây là thời cơ không thể tốt hơn cho nông sản Việt Nam.
Trước bối cảnh đó, Việt Nam cần xây dựng nhiều kịch bản hơn để ứng phó. Ví dụ, Chính phủ cùng các bộ, ngành và các doanh nghiệp cần phân tích chi tiết Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ những mặt hàng gì và mặt hàng đó chịu tác động ra sao. Tương tự đối với Trung Quốc cũng phải làm như vậy.
Đặc biệt nghiên cứu kỹ các hàng hóa của Trung Quốc có thể nhập vào Việt Nam. Qua đó đề phòng trường hợp do xuất khẩu sang Mỹ bị hạn chế, Trung Quốc sẽ chuyển hàng sang Việt Nam, gắn mác hàng Việt rồi xuất sang Mỹ để né thuế… Khi đó hàng của Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ đánh thuế chống bán phá giá rất cao.
Khi đậu nành Mỹ bị Trung Quốc áp thuế cao sẽ chảy sang nhiều nước, nhất là Việt Nam. Đáng chú ý cách nay không lâu, lô hàng bắp 67.000 tấn trực tiếp từ Mỹ đã đến Việt Nam. Đây là lô đầu tiên trong các lô hàng bắp và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khác, bao gồm đậu nành, khô dầu đậu nành và bột bã bắp, dự kiến đến Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn: Soha