Cùng với ASEAN, trong cuộc thảo luận hình thành RCEP có sự tham gia của Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Nhật Bản.
Việt Nam sẽ nhận được gì từ việc thành lập RCEP? Liệu có nguy cơ rằng những nền kinh tế lớn của liên minh mới sẽ bóp nghẹt kinh tế Việt Nam? Hay ngược lại, đây là cơ may tốt để thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn? Sputnik đã nêu câu hỏi này với Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Trần Quốc Khánh:
Đối với các nước ASEAN, bao gồm cả Việt Nam, RCEP về cơ bản là sự tích hợp của 5 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà chúng tôi đã có trước đó với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc — Niu Dilân. Khi kết thúc đàm phán, có thể các nước sẽ đồng ý đưa ra một số cam kết mới, sâu hơn một chút so với các cam kết đã có trong 5 FTA trước đây nhưng tôi không nghĩ những cam kết mới đó sẽ "bóp nghẹt" nền kinh tế của Việt Nam hay của bất kỳ nước ASEAN nào. Về cơ hội, với việc hình thành 1 khu vực thương mại tự do chung giữa 16 nước, các cơ hội sẽ xuất hiện nhiều hơn bởi các chuỗi cung ứng sẽ có động lực lớn hơn để dịch chuyển về khu vực này. Tuy nhiên, mức độ dịch chuyển tới đâu sẽ phụ thuộc vào mức độ cam kết cuối cùng, nhất là mức độ cam kết của những nước chưa có quan hệ FTA với nhau như Nhật Bản — Trung Quốc, Ấn Độ — Trung Quốc, Hàn Quốc — Nhật Bản v..v. Vì vậy, cần phải chờ thêm một thời gian nữa để đánh giá chính xác hơn về các cơ hội mà RCEP có thể đem lại cho từng thành viên, trong đó có Việt Nam.