Hiệu ứng World Cup: Vertu, môtô Z1000, xe hơi…“rầm rộ” thanh lý ở…tiệm cầm đồ

Kỳ World Cup 2018 ở Nga chỉ còn trận đấu cuối cùng là sẽ khép lại. Ở Việt Nam, tại các cửa hàng cầm đồ, từ những vật dụng nhỏ xinh như điện thoại dòng “sang chảnh” Vertu hay cồng kềnh như xe mô tô phân khối lớn cao cấp như Z1000 và thậm chí một số dòng xe ô tô đã chính thức được các chủ tiệm thanh lý.
Sputnik

Anh Nguyễn Đức Lễ, đại diện một cửa hàng cầm đồ trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) cho biết, cửa hàng anh bắt đầu thanh lý nhiều dòng điện thoại do khách cầm trong mùa World Cup. Trong đó có cả dòng điện thoại cao cấp Vertu. Anh đang thanh lý chiếc điện thoại Vertu Ascent Ti với giá chỉ hơn 19 triệu đồng.

"Chiếc điện thoại Vertu là do khách cầm để lấy tiền cá độ nhưng sau đó khách thông báo không chuộc lại nữa nên tôi thanh lý cho người dùng. Cửa hàng cũng đang thanh lý nhiều chiếc điện thoại khách như iPhone 7, iPhone 8, Samsung Galaxy S9…", anh Lễ nói.

Cũng theo anh Lễ, trong một tháng diễn ra World Cup, lượng tài sản mang đến cầm cố tại cửa hàng anh tăng khoảng gấp 2 lần so với ngày bình thường. Các loại tài sản mà người dân thường mang đi cầm nhiều nhất là: xe máy, laptop, điện thoại. Trong đó, có nhiều loại xe tay ga đắt tiền như Honda SH 150i, Vespa GTS.

Chiếc điện thoại Vertu đang được cửa hàng cầm đồ tại TPHCM thanh lý với giá hơn 19 triệu đồng.

Không chỉ có cửa hàng của anh Lễ mà một số cửa hàng khác tại quận 1 và quận 3 cũng đang thanh lý những tài sản có giá trị lớn như xe phân khối lớn, xe ô tô.

Anh Trần Danh, đại diện một cửa hàng cầm đồ trên đường Võ Văn Tần cho biết, cửa hàng của anh đang thanh lý một chiếc mô tô phân khối lớn hiệu Kawasaki Z1000 với giá 250 triệu đồng và một chiếc Toyota Fortuner giá 600 triệu đồng.

"Chiếc Z1000 là xe hải quan chính ngạch, bản châu Âu đời 2015. Xe đầy đủ hệ thống phanh ABS. Giá xe này mềm hơn so với thị trường trường một chút", anh Danh nói.

Cũng theo anh Danh, vị khách hàng cầm cố chiếc xe 7 chỗ Toyota Fortuner đời 2014 cũng đã đến cửa hàng thông báo không chuộc lại xe và thỏa thuận nhờ cửa hàng thanh lý chiếc xe với giá 600 triệu đồng.

"Sau khi thanh lý xong, cửa hàng sẽ thu hồi khoản tiền đã đưa cho khách trước đó là 300 triệu đồng cộng với số tiền lãi theo thỏa thuận. Số tiền bán xe còn lại sẽ đưa cho khách hàng", anh Danh nói.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành cầm đồ, anh Danh cũng cho rằng, khoảng 1 tháng sau World Cup thì các cửa hàng mới thanh lý tài sản nhiều. Thời điểm này, hàng thanh lý khá "nhỏ giọt", chỉ một số ít tài sản được thanh lý sớm là do khách đồng ý cho cửa hàng bán ra để trả nợ và thu hồi tiền lãi.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều cửa hàng cầm đồ khác tại quận 3, quận 10 và quận Tân Bình cũng đang bắt đầu thanh lý sớm một số mặt hàng. Trong đó có cả xe ô tô và nhiều loại xe máy tay ga đắt tiền. Một số tài sản được thanh lý sớm là do khách hàng mất khả năng chi trả vì thua cá độ mùa World Cup.

Ô tô Toyota Fortuner được thanh lý với giá 600 triệu đồng

Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đang là mùa "hái ra tiền" của nhiều chủ cửa hàng cầm đồ tại TPHCM. Lợi nhuận từ việc cầm cố tài sản trong thời gian diễn ra World Cup là rất lớn do nhu cầu của khách hàng tăng mạnh. Một số cửa hàng đã tự ý đẩy mức lãi suất lên tới 9 —12%/tháng.

Theo các luật sư, việc này là trái với quy định của pháp luật. Tại Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất cho vay theo hình thức cầm đồ không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tại Nghị định 02/CP năm 1995 và Thông tư liên bộ 02TT/LB hướng dẫn Nghị định 02/CP quy định, lãi suất cầm đồ và phí cầm đồ tối đa không quá 4,2%/ tháng, tính trên số tiền được vay của mỗi lần cầm đồ. Trường hợp nếu bên cầm đồ muốn vay nóng ngắn hạn (dưới 15 ngày) lãi suất và phí cầm đồ cao nhất không quá 0,3%/ngày.

Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo người dân cần phải "tỉnh táo" khi cầm cố tài sản. Phải đọc kỹ và hiểu nội dung ràng buộc giữa cửa hàng với khách. Người dân cần phải khảo sát mức lãi suất thị trường dành cho món đồ mà mình muốn cầm cố và nhìn lại khả năng chi trả của bản thân, bởi nếu mức lãi suất cầm cố vượt quá khả năng chi trả thì rất dễ rơi vào hoàn cảnh không thể chuộc lại tài sản và "biếu không" món đồ cho các chủ tiệm với giá rẻ mạt.

Nguồn: Dân Trí

Thảo luận