Tỉ lệ tốt nghiệp THPT 2018 trên toàn quốc đạt 97,57%, trong đó giáo dục THPT đạt 98,36%. Tất nhiên, ai cũng dễ thấy "thành công tốt đẹp" nếu chỉ nhìn vào những con số.
Minh chứng là điểm số của nhiều thí sinh hai tỉnh miền núi Hà Giang và Sơn La rất cao, cao bất thường. Khi báo chí chỉ ra sự bất thường này thì Bộ GD-ĐT cử Tổ Công tác lên Hà Giang phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh này vào cuộc làm rõ.
Có 5.500 thí sinh trong tổng số hơn 925.000 thí sinh cả nước dự thi THPT quốc gia năm 2018 (chiếm chỉ 5,9%) nhưng kết quả thi năm nay, Hà Giang vượt mặt hầu hết các địa phương có truyền thống dẫn đầu toàn quốc về điểm thi cao.
Cụ thể, cả nước có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 đạt từ 27 điểm trở lên, riêng Hà Giang đã có 36 thí sinh đạt mức điểm này (47,37%). Số thí sinh đạt trên 27 điểm khối A (Toán — Lý — Hóa) của cả nước là 82 thì riêng Hà Giang có 29 (35,3%). Đối với môn Lý, toàn tỉnh có 65 thí sinh đạt mức điểm từ 9 trở lên, trong khi số thí sinh đạt mức từ 8 đến dưới 9 chỉ 28.
Sau vài ngày Tổ Công tác của Bộ GD-ĐT về Hà Giang làm rõ thì một phần sự thật của câu chuyện đã hé lộ.
Khuya qua, lúc khoảng 1 giờ sáng 17-7, sau suốt cả ngày đêm chỉ đạo Tổ Công tác làm việc, ông Mai Văn Trinh — Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho báo chí biết đã phát hiện 98 bài thi ở Hà Giang bị can thiệp về điểm số làm sai lệch so với kết quả thực, dung sai điểm thi bị sửa lên tới 8,75. Tổ Công tác cũng xác định được 1 "thủ phạm" và hiện đang làm rõ mục đích, động cơ của người này.
Đây quả thật là một vụ gây rúng động dư luận. Sẽ chấn động hơn nữa nếu kết quả điều tra xác định có sự gian lận tập thể, bởi với quy trình tổ chức thi và chấm thi mà Bộ tự cho là "rất chặt chẽ" thì làm sao chỉ mỗi một cá nhân có thể gây ra sai phạm tày trời?
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang và giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang — Chủ tịch Hội đồng thi tại tỉnh này — cũng khẳng định Hà Giang không chạy theo thành tích! Nếu yếu tố thành tích bị loại trừ (như các vị này nói) thì động cơ gây ra sai phạm chỉ có thể là vì tiền hoặc là vì quyền (trong trường hợp các thí sinh được nâng điểm là con cháu quan chức, con ông cháu cha).
Sẽ chấn động hơn nữa nếu sau Hà Giang, trường hợp Sơn La cũng được làm rõ. Điểm thi ở Sơn La cũng cao bất thường, đang bị nghi ngờ.
Suy luận theo kiểu bắc cầu là nếu Hà Giang gian lận được thì tỉnh — thành khác cũng có thể gian lận. Năm nay gian lận được thì các năm trước cũng gian lận được. Bộ GD-ĐT sẽ ăn nói sao đây với công chúng?
Phương án thi "2 trong 1" được Bộ GD-ĐT chọn từ năm 2015 đến nay, theo đó các địa phương cùng các trường ĐH-CĐ cùng tổ chức thi. Năm nào cũng vậy, trước — trong và sau thi (xét tuyển) luôn có chuyện lùm xùm.
Có dư luận cho rằng sự bất thường của điểm thi cao của Hà Giang được nhìn thấy từ năm ngoái nhưng do năm 2017 mặt bằng điểm thi chung cả nước khá cao nên vụ việc bị chìm đi. Năm nay, đề khó hơn nhiều mà thí sinh miền núi đạt điểm chót vót thì mới lộ ra.
Quyết tâm làm rõ vụ này của Bộ GD-ĐT là rất cần thiết, trước mắt trả lại sự công bằng cho thí sinh và nghiêm trị những kẻ nhúng chàm. Nhưng đó chỉ là cách làm "cắt ngọn", lấy gì đoan chắc năm tới không có sai phạm thi cử. Và có lẽ nào Bộ GD-ĐT lại tiếp tục cải tiến thi "2 trong 1" theo kiểu trả quyền tự chủ tuyển sinh về cho các trường ĐH-CĐ như thời trước?
Xin hỏi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT một câu, dù đã cũ: kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng từ 95% trở lên, vậy thì tổ chức thi để làm gì? Chỉ để phân loại dưới 5% học sinh yếu?
Học sinh không phải là chuột bạch nhưng cứ bị người lớn đem ra thí nghiệm mãi. Thực trạng buồn này chưa biết kéo dài tới bao giờ. Sự ì ạch bao năm qua cùng với xì-căng-đan mới nhất ở Hà Giang, dứt khoát Bộ GD-ĐT phải có người chịu trách nhiệm thích đáng!
Theo: NLĐ