Gian lận điểm thi: "Lỗi không phải ở cái máy!"

Trước những kết luận ban đầu về sai phạm trong chấm thi ở Hà Giang, Sơn La, nhiều người bày tỏ lo ngại về phần mềm chấm thi và việc nghiệm thu, trả tiền, đưa vào sử dụng một phần mềm có lỗi. Phần mềm này có lỗi hay không, để xảy ra sai phạm ở khâu nào?
Sputnik

File trung gian dưới dạng "text" là đương nhiên

Sau Hà Giang, Sơn La là tỉnh tiếp theo bị lật tẩy những sai phạm trong thi THPT quốc gia 2018, đặc biệt là ở khâu chấm thi. Việc sai phạm này liên tiếp xảy ra trong vòng một thời gian ngắn khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng và bày tỏ những nghi ngờ về phương pháp chấm thi trắc nghiệm. Theo đó, nhiều người đặt câu hỏi:

Dữ liệu bài thi gốc ở Sơn La "đột nhiên bị mất": Liệu có khôi phục được không?

"Ai thiết kế phần mềm chấm thi, để file trung gian dưới dạng text, ai cũng sửa được? Ai ra đầu bài, nghiệm thu, trả tiền, đưa vào sử dụng một phần mềm có lỗi như vậy?".

Về vấn đề này, theo chuyên gia giáo dục, công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH FPT Lê Trường Tùng nhận định: Ở sự việc này, cần xét cả khía cạnh là phần mềm, quy trình và con người. Trong đó, có liên quan đến con người, quy trình là nhiều hơn so với phần mềm. Trước hết, vụ việc ở Hà Giang, sai phạm được can thiệp trong quá trình đưa vào máy quét sau khi file quét dữ liệu gốc đã được gửi về Bộ GDĐT. Việc để đối tượng có thể thực hiện sai phạm trước hết phải kể đến việc để phách và thông tin của thí sinh.

"Thi trắc nghiệm mọi người nghĩ máy chấm là chủ yếu nhưng lại quên rằng trong quy trình có phần con người có thể can thiệp chỉnh sửa bài để máy tính có thể nhận dạng được bài thi ở những bài bị lỗi. Giả sử bây giờ rọc phách thì người chịu trách nhiệm sửa lỗi này không biết bài này là của ai khi đó gian lận sẽ đỡ hơn. Điều này liên quan đến cách thức tổ chức thi chứ không liên quan đến phần mềm" — ông Tùng nhận định.

"Nhiều người bày tỏ tại sao lại có định dạng bằng text, cụ thể hơn theo công bố của Bộ GDĐT là dạng Excel để người khác có thể can thiệp vào chỉnh sửa, phải chăng là phần mềm bị lỗi. Câu trả lời là do phần mềm được lập trình như vậy để sửa lỗi. Khi quét bài thi vào máy thì file quét giống như là chụp ảnh bình thường. Sau đó, máy tính sẽ nhận dạng các ô tô chì là đáp án đúng hay sai.

Phát hiện chấn động ở Sơn La: Dữ liệu bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa, rất khó phôi phục
Nhưng trên thực tế, theo thống kê của Bộ GDĐT, có khoảng 1% bài thi là bị lỗi vì thế phải can thiệp và chỉnh sửa ở khâu này để máy có thể nhận dạng được đúng và chuẩn đáp án. Lỗi xảy ra có thể do thí sinh tẩy đáp án sai đã tô trước đó sang 1 đáp án mới chưa kỹ, dẫn đến máy chấm không nhận dạng được hoặc thí sinh tô quá mờ…

Vì thế, cần người đối chiếu từ file bài gốc để sửa mà sửa thì phải ở dạng Excel thì mới sửa được. Cho nên chuyện file sửa là điều không thể tránh khỏi" — ông Tùng phân tích.

Bên cạnh đó, chuyên gia này chỉ ra rằng, dường như quy trình chấm thi chỉ có một người làm và nhiều khi những người quan sát không phải lúc nào người ta cũng nhìn hoặc đủ trình độ để biết là người đó đang làm đúng hay làm sai.

Quan trọng vẫn là con người

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ sai phạm'
Đây là nhận định của ông Quách Tuấn Ngọc — nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GDĐT. Ông Ngọc cho biết với máy chấm thi trắc nghiệm mới ông chưa được tiếp xúc nên không thể nhận định là có bị lỗi ở phần mềm như mọi người vẫn nói hay không?

Tuy nhiên ông Ngọc nhấn mạnh:

"Dù phần mềm có thông minh hay tinh vi như thế nào đi nữa cũng đều do con người điều hành. Vì thế, dù có tin tưởng cán bộ, nhân viên đến bao nhiêu cũng cần sự giám sát chặt chẽ, nhất là những người nắm giữ được "yết hầu", nắm giữ những thông tin và những khâu quan trọng nhất".

Đồng quan điểm, TS Lê Trường Tùng cũng nhấn mạnh về yếu tố con người trong thực hiện quy chế thi. Đề xuất về phương án có thể hạn chế gian lận trong thi cử, ông Lê Trường Tùng cho rằng: Cách thức chấm trắc nghiệm hiện tại không khác gì cách thức chấm trắc nghiệm của cách đây 25 năm tức là chụp vào, nhận dạng, sửa sai sót và sau đó đối chiếu với đáp án để tính ra điểm. Vấn đề đặt ra là với công nghệ mới hiện nay vẫn là trắc nghiệm nhưng cách thức cần có thay đổi.

Ông Tùng đề xuất phương án trang bị cho mỗi phòng thi 1 máy quét file bài thi. Kết thúc bài thi, giám thị sẽ quét luôn bài thi khi thí sinh nộp bài. Bài nào bị lỗi sẽ trực tiếp yêu cầu thí sinh đó thực hiện lại các đáp án cho rõ ràng trước sự chứng kiến của nhiều thí sinh.

"Một phòng chỉ có khoảng 24 thí sinh vì thế thời gian làm công việc này sẽ không lâu. Hiện tại, giá máy quét không cao nên có thể trang bị được".

Theo: Lao Động

Thảo luận