"Bộ trưởng Nhạ nên xin lỗi"

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, để xảy ra tiêu cực trong thi cử, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nên có phát ngôn, động thái nhận trách nhiệm, để lấy lại niềm tin của người dân.
Sputnik

Chiều 24/7, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí sau bê bối gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La và nghi vấn ở hàng loạt tỉnh, thành khác. Khi phóng viên hỏi về trách nhiệmcủa Bộ GD&ĐT, ông đã không trả lời trực diện.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lần đầu lên tiếng về gian lận thi cử chấn động ở Hà Giang

Văn hóa của lời xin lỗi

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ — nguyên Thứ trưởng GD&ĐT — cho rằng người chịu trách nhiệm cao nhất với những sai phạm ở Hà Giang và Sơn La phải là Bộ trưởng GD&ĐT.

"Để xảy ra kỳ thi có gian lận lớn như vậy là cái sai của ngành giáo dục, bộ trưởng phải xin lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân. Có như thế học sinh, phụ huynh mới lấy lại được niềm tin. Lời xin lỗi nói ra đôi khi là văn hóa rất cần thiết, bộ trưởng không thể nói theo cách khuyết điểm không phải của mình", ông Nhĩ nói.

'Tài năng như Bộ trưởng mà không dám từ chức?'
Theo nguyên thứ trưởng GD&ĐT, thế giới từng có nhiều trường hợp bộ trưởng từ chức khi xảy ra sai sót lớn của ngành.

Năm 2012, Bộ trưởng Giao thông của Ai Cập đã đệ đơn từ chức sau khi xảy ra tai nạn thảm khốc.

Người đứng đầu ngành phải có phát ngôn, động thái sao cho nhân dân tin tưởng.

"Nhận trách nhiệm, xin lỗi không có nghĩa là thể hiện sự thấp kém, thậm chí đó là cách ứng xử cao thượng. Sai đến đâu, bộ trưởng nên nhận đến mức độ đó", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.

PGS.TS.Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

"Quyết định khẩn" của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Đồng quan điểm Bộ trưởng GD&ĐT nợ lời xin lỗi học sinh, dư luận, TS Vũ Thu Hương — nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội — bày tỏ, đọc phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tối 24/7, bà cảm thấy thất vọng. 

Là người công tác lâu năm trong ngành giáo dục và phụ huynh có con thi THPT quốc gia năm nay, bà Hương cho rằng một kỳ thi khi được tổ chức phải đặt sự công bằng và nghiêm minh lên hàng đầu. Số lượng kết quả sai lệch bài thi ở tỉnh Hà Giang, Sơn La đã khẳng định kỳ thi năm nay không thành công.

"Bộ trưởng nói kỳ thi nghiêm túc nhưng tại sao lại kéo theo hơn 300 bài trắc nghiệm bị sửa điểm ở Hà Giang và ở Sơn La vẫn chưa có kết luận. Thưa bộ trưởng, vậy bao nhiêu bài thi bị sửa điểm mới là một kỳ thi thất bại?", bà Hương đặt câu hỏi.

Nữ tiến sĩ cũng băn khoăn tại sao Bộ GD&ĐT lại không nhận trách nhiệm, không xin lỗi người dân? Tại sao bộ vẫn khẳng định kỳ thi hoàn toàn tốt đẹp, trong khi từ năm 1945 đến nay, lần này được cho là một trong những bê bối thi cử nghiêm trọng nhất?

Tướng Lê Vân: A83 vào cuộc xác minh nghi vấn điểm thi bất thường của 35 cảnh sát
Cũng theo TS Vũ Thu Hương, khi phóng viên hỏi về trách nhiệm, Bộ trưởng GD&ĐT chỉ trả lời về các biện pháp điều tra, xử lý sai phạm. Đây là nhiệm vụ của thanh tra — một cơ quan thuộc bộ chứ không phải trách nhiệm của cả Bộ GD&ĐT. Cách trả lời của bộ trưởng như cách làm của quan tòa — người đứng ngoài vụ việc để suy xét?

Bà Hương cho rằng để lấy lại niềm tin cho người dân, trước hết, Bộ trưởng GD&ĐT phải chịu trách nhiệm, xin lỗi thí sinh đã tham gia kỳ thi năm nay. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần thiết lập các chương trình nghiên cứu lớn để tạo ra một kỳ thi công khai, minh bạch, tìm ra phương thức khắc phục các kẽ hở.

Còn nhiều kẽ hở

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ — nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương — cho hay cách tổ chức thi, chấm thi THPT quốc gia còn nhiều kẽ hở. Trong đó, quy trình chấm bài trắc nghiệm không rọc phách, người muốn can thiệp dễ dàng biết được bài của ai.

Bộ trưởng Nhạ! Đừng làm Quốc hội tốn thời gian thêm nữa
Nên chấm chéo giữa các tỉnh theo cách không được báo trước, sử dụng cán bộ trường đại học. Trước đó, việc chấm chéo đã diễn ra nhưng do không "bảo mật", thông báo trước, nên vẫn có sự liên kết để gian lận.

"Quy trình chặt chẽ không thể có các cá nhân, nhóm người can thiệp vào bài thi của thí sinh như ở trường hợp Hà Giang và Sơn La", ông Vỳ nhận định.

Theo nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, việc xảy ra tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay khiến ông quá bất ngờ. Để lấy lại niềm tin cho nhân dân, Bộ GD&ĐT phải chỉ rõ được nguyên nhân và đánh giá thực trạng sau khi sự việc xảy ra. 

Còn TS Lê Viết Khuyến — nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho hay với cơ chế phân cấp, phân quyền giao tự chủ cho địa phương, việc thi cử được tổ chức ở các tỉnh thành vẫn còn xảy ra sai phạm.

Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về kết quả rà soát ở Sơn La, Lạng Sơn.

Hà Giang nhất định phải hành động để bảo vệ danh dự cho Bí thư Triệu Tài Vinh
Vì vậy, khi xảy ra gian lận, ngoài Bộ GD&ĐT, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, giải trình trước dư luận, không được xử lý nội bộ.

TS Lê Viết Khuyến cho rằng gian lận thi cử năm nay còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về kết quả ở Lạng Sơn, Sơn La. Thậm chí, nhiều tỉnh thành khác nếu rà soát đúng sẽ còn sai phạm.

"Công văn của Bộ GD&ĐT yêu cầu 63 tỉnh thành tự rà soát thực ra là chỉ thị sáo mòn, khó tìm ra kết quả. Công văn đó chỉ giao địa phương quyền lực rà soát mà không yêu cầu họ chịu trách nhiệm, có thể khiến hệ thống công quyền địa phương ỉm đi sai phạm", TS Khuyến đặt nghi vấn.

Bộ GD-ĐT nói gì về thông tin biết trước sai phạm ở Hà Giang?
Ông đề xuất việc chấm thi cần được gắn camera không chỉ cho công an theo dõi, mà còn để toàn xã hội biết. Có như vậy, những người gian lận mới không dám ngang nhiên sửa điểm thi giữa ban ngày như ở Hà Giang.

Ông Vũ Khắc Ngọc — giáo viên tại Hà Nội — một trong những giáo viên phanh phui tiêu cực thi cử ở Hà Giang — nói với Zing.vn ông mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ đi đến cùng của sự thật. Nếu Bộ GD&ĐT quyết liệt vào cuộc tìm ra sai phạm đến cùng, chúng ta sẽ có một thế hệ tương lai rất khác.

"Năm nay, đề thi khó ở nhiều môn. Cộng thêm việc lứa rồng vàng (sinh năm 2000) đi thi dẫn đến việc nhiều lãnh đạo ở địa phương cũng có con ở lứa tuổi này", ông Ngọc lý giải. 

Theo: Zing

Thảo luận