Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) kiến nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) báo cáo các cấp thẩm quyền quyết định điều chỉnh thời hạn thực hiện công tác thoái vốn của Tập đoàn tại PVC cho đến thời điểm sau khi PVC hoàn thành dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Vào nửa cuối quý 3/2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn 2018-2020, trong đó PVN sẽ thoái toàn bộ vốn tại PVC sau năm 2018. Điều này được cho là có ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tái cơ cấu PVC. Trong đề án cũ, PVN biến PVC thành đơn vị chuyển ngành xây lắp dầu khí, tổng thầu công trình lớn của Tập đoàn cho đến năm 2020.
Ban lãnh đạo PVC mới đây đã thông tin về công tác tái cơ cấu Tổng công ty. Theo đó PVC đang tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các đơn vị liên kết, đầu tư tài chính có ngành nghề kinh doanh không phù hợp với định hướng sản xuất kinh doanh chính của Tổng công ty và các đơn vị không có khả năng phục hồi, có nguy cơ cao giải thể/phá sản.
Ban lãnh đạo công ty cho hay PVC đang thúc đẩy các đơn vị trực thuộc quyết liệt thoái vốn để thu về vốn đầu tư cho công ty mẹ, tập trung tài chính cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Do đó, Tổng công ty cần các cấp có thẩm quyền để phê duyệt, hướng dẫn triển khai thoái vốn tại các đơn vị với giá chuyển nhượng thấp hơn mệnh giá/ giá trị đầu tư để PVC có thể thu hồi vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Trước tình hình khó khăn trên, PVC kiến nghị các cấp có thẩm quyền phê duyệt, hướng dẫn triển khai thoái vốn tại các đơn vị với giá chuyển nhượng thấp hơn mệnh giá/ giá trị đầu tư để PVC có thể thu hồi vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo đó, Tổng công ty kiến nghị PVN báo cáo các cấp thẩm quyền quyết định điều chỉnh thời hạn thực hiện công tác thoái vốn của Tập đoàn tại PVC cho đến thời điểm sau khi PVC hoàn thành dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 gồm 2 tổ máy với tổng công suất thiết kế 1.200MW do PVN làm chủ đầu tư và PVC làm tổng thầu EPC. Tổng mức đầu tư dự án là 41.799 tỉ đồng, thuộc danh mục các dự án nguồn điện cấp bách theo Quyết định 2414/QĐ-Ttg ngày 11.12.2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với phần vay nước ngoài của dự án, PVN cho biết tổng giá trị vốn vay đã ký là 937,14 triệu USD bao gồm các hợp đồng vay trực tiếp và vay thương mại nước ngoài và hợp đồng bảo hiểm tín dụng. Đến nay đã giải ngân được số tiền 432,06 triệu USD, chiếm 46% hạn mức tiền vay, đã trả nợ gốc được 81 triệu USD, số dư 351 triệu USD. Số còn lại hơn 505 triệu USD chưa thể giải ngân.
PVN cho biết thời hạn giải ngân cuối cùng theo quy định của hợp đồng là ngày 28.9.2018. Việc xác định thời hạn giải ngân cuối cùng phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành các tổ máy 1 và tổ máy 2 làm cơ sở hoàn tất các chứng từ thanh toán để giải ngân vốn vay.
Quyết định số 428 do Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 có đề cập tiến độ vận hành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 như sau: Tổ máy 1 năm 2017, tổ máy 2 năm 2018. Căn cứ vào tình hình thực tế, PVN đã kiến nghị tiến độ dự án được điều chỉnh lại tiến độ, tổ máy 1 vào tháng 6.2019 và tháng 9.2019 cho tổ máy 2. Thế nhưng đến nay, tiến độ này vẫn chưa được xét duyệt.
Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng có văn bản nhắc về khoản nợ cần được giải ngân cho phía tổ chức tín dụng đến tháng 9.2018. Bộ Tài chính cho biết không đồng ý với việc gia hạn hợp đồng vay sau thời điểm ngày 28.9.2018. Do đó, PVN phải tìm nguồn khác thay thế. Như vậy, nếu PVN "buông tay" PVC ở thời điểm hiện nay thì khả năng thu xếp cũng như xoay xở dòng tiền thực hiện dự án của PVC rất khó khăn.
Nguồn: Motthegioi