Thân nhân phi công Su-22: 'Không ngờ người hy sinh là anh'

"Lần xử lý tin tức tai nạn hàng không nào tôi cũng gọi cho anh Trí để tham khảo ý kiến. Không ngờ nạn nhân trong bản tin này lạị chính là anh", chị Khuất Nguyệt Minh chia sẻ.
Sputnik

Hà Nội trưa 26/7, trời như chực mưa. Khuất Nguyệt Minh — nữ phóng viên thời sự của VTV — nhận được thông tin một chiếc máy bay chiến đấu bị rơi tại Nghệ An khiến 2 phi công thiệt mạng.

Những ai từng làm phóng viên thời sự đều hiểu cảm giác của Minh khi đó: Vừa xót xa, vừa cố gắng bình tĩnh để xác minh tin tức.

'Bản tin không mong đợi'

Nguyệt Minh nhấc điện thoại gọi ngay cho trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 921 thuộc Sư đoàn 371. Trung tá Trí là anh họ của Minh, cũng là phi công dày dặn kinh nghiệm mà cô thường liên hệ mỗi khi nhận được tin tức sự cố hàng không.

Ở đầu dây bên kia chỉ có giọng nói: "Thuê bao quý khách vừa gọi…"

Trưa 26/7, trong lúc bay huấn luyện, máy bay Su-22U số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) đã mất liên lạc. Máy bay chiến đấu sau đó được phát hiện rơi tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

"Trong nghề của mình, tôi từng xử lý rất nhiều thông tin tai nạn hàng không, lần nào cũng gọi cho anh Trí để tham khảo ý kiến nhưng không thể ngờ nạn nhân trong bản tin lần này lại chính là anh", Nguyệt Minh nghẹn ngào chia sẻ với Zing.vn.

Không lâu sau, Bộ Quốc phòng phát đi thông báo cho biết hai phi công trong vụ rơi máy bay chiến đấu Su 22 đã hy sinh, gồm trung tá Khuất Mạnh Trí (sinh năm 1978, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, quê thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội) và thượng tá Phạm Giang Nam (sinh năm 1972, Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921, quê Thái Thụy, Thái Bình).

Theo lời kể của Nguyệt Minh, anh Trí là con trai nhà bác ruột nhưng được cha mẹ cô thương yêu như con đẻ. Nữ phóng viên cũng coi trung tá Trí như anh trai.

Học hết cấp 3, anh Trí đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội. Một tuần sau anh lại nhận thêm tin trúng tuyển vào Học viện Không quân. 

"Bố anh ấy từng là cựu tù binh Côn Đảo, bị tra tấn và được trả tự do năm 1973. Anh ấy muốn nối nghiệp binh của bố nên đã bỏ Đại học Bách khoa để vào trường không quân, học lái máy máy bay chiến đấu", Nguyệt Minh kể.

Anh Trí học giỏi, luôn đứng trong tốp đầu của khóa học. Sau quá trình huấn luyện, anh trở thành phi công lái máy bay chiến đấu của Quân chủng Phòng không — Không quân. 

Người lính yêu hoa lan

Bố mất sớm, anh Trí là chỗ dựa duy nhất của mẹ và người em gái.

Chàng phi công nhanh chóng thành thạo kỹ năng bay và luôn được đánh giá có tố chất. Anh bay lần đầu ở Nha Trang rồi chuyển về Bắc Giang, sau cùng về công tác tại Nội Bài.

Thời gian qua, anh Trí tham gia huấn luyện bay cho các học viên ở Nha Trang, Đà Nẵng, Khánh hòa, Phú Yên… Anh luôn nhắc các học trò khác phải cẩn thận, nắm vững các quy tắc an toàn bay.

"Ngoài việc làm bạn với bầu trời, anh còn có sở thích chăm sóc hoa lan. Anh ấy có cả một vườn lan trồng trong sân nhà", Nguyệt Minh chia sẻ.

Một người bạn biết tin anh mất đã gửi lên Facebook của anh lời nhắn: "Về đi em Trí ơi! Lan của anh em mình nở đẹp lắm, em không thể… Anh không tin như vậy đâu…".

"Anh Trí không chia sẻ nhiều thông tin về công việc của mình với gia đình vì sợ đặc thù công việc sẽ khiến mọi người lo lắng. Lúc nào cũng chỉ nói rằng anh sẽ phải làm việc của mình ngày một tốt hơn", Nguyệt Minh kể. 

Người em họ cũng thay mặt gia đình bày tỏ mong muốn được đưa linh cữu anh Trí về Hà Nội để tổ chức tang lễ.

Trung tá Khuất Mạnh Trí có vợ và hai con. Vợ của anh hiện công tác tại bưu điện thị xã Sơn Tây. Hai con (một trai, một gái) đều còn rất nhỏ. 

Người phi công giữ cương vị chỉ huy thường xuyên xa nhà. Thời gian 2 đứa trẻ được gần bố cũng ít ỏi. Người thân cho biết anh lần nào cũng nói chuyện với vợ trước khi cất cánh.

Nguồn: zing

Thảo luận