Sự kiện này có tầm quan trọng không nhỏ. Nó nói lên việc lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un nghiêm túc trong các thỏa thuận đã đạt được trong cuộc họp với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12 tháng sáu tại Singapore, và ông sẵn sàng thi hành. Vấn đề trả lại hài cốt những người lính Mỹ đã chết trong cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên, cùng với việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo, một trong những nội dung quan trọng nhất trong kết quả của cuộc gặp gỡ lịch sử đó.
Đối với xã hội Mỹ, số phận của các công dân đồng bào của họ, ngã xuống và không biết rõ nơi chôn cất, luôn luôn có ý nghĩa to lớn. Trong các gia đình có những người mất tích như vậy, thường các hoạt động của tổng thống Hoa Kỳ được đánh giá bằng cách ông xử lý với vấn đề này như thế nào.
Ở đây thích hợp để gợi lại lịch sử quan hệ Việt — Mỹ. Như các bạn đọc đã biết, vấn đề số phận những người lính Mỹ chết hoặc mất tích trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã được phía Mỹ quan tâm ngay từ đầu trong mối liên hệ giữa các nhà ngoại giao và quân đội hai nước. Những chính trị gia nổi tiếng như Thượng nghị sĩ Kerry và McCain đã tham gia vào việc tìm kiếm những người mất tích. Khi chiến tranh kết thúc năm 1975, có hơn 2500 người Mỹ được xem là mất tích. Phía Việt Nam đồng ý và từ những năm 80 của thế kỷ trước đã tham gia tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ, đã tìm thấy và chuyển giao cho Hoa Kỳ gần 900 bộ hài cốt. Nhưng công việc này không đơn giản, trước hết, bởi vì trong chiến tranh, do những lý do dễ hiểu, không có sự chú ý đặc biệt nào đối với số phận của những con người cụ thể.
Việc trao trả hài cốt — không chỉ là một hành động nhân đạo. Đó còn là tạo ra một kênh đàm phán chung giữa hai nước. Và cuộc đối thoại giữa người Việt Nam và người Mỹ, như được biết, vẫn đang tiếp tục. Và rõ ràng là thái độ cầu thị của phía Việt Nam đối với vấn đề này, góp phần tạo nên bầu không khí tin tưởng trong quan hệ Việt — Mỹ.
Số người Mỹ mất tích trong Chiến tranh Triều Tiên lớn hơn nhiều. Họ nêu lên con số 5300 người. Do đó, giải pháp cuối cùng trong vấn đề này có thể bị trì hoãn trong một thời gian dài vì nhiều lý do khách quan. Nhưng có thể sử dụng kinh nghiệm của Việt Nam trong vấn đề này. Và ở đây cũng có thể có một bầu không khí tin tưởng lẫn nhau giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Kim Jong Un đã chứng tỏ ông sẵn sàng đàm phán với Mỹ — chuyển giao hài cốt quân nhân Mỹ, phá hủy các cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân. Còn Trump thì sao? Ngoài lòng biết ơn đến Kim vì việc trao trả hài cốt công dân Mỹ, mà ông công khai viết trên Twitter, không có hành động nào cụ thể từ phía Hoa Kỳ. Nhưng không có lý do nào để tin rằng lãnh đạo CHDCND Triều Tiên sẵn sàng tiếp tục nhượng bộ đơn phương mà không nhận được bất cứ thứ gì đổi lại từ Hoa Kỳ.