"Lệnh cấm vận nhập khẩu dầu thô từ Iran, mà Hàn Quốc cũng tham gia như một đồng minh, là một sáng kiến của Mỹ và EU chứ không phải của Liên Hiệp Quốc. Trước đó Hoa Kỳ đã sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để ép buộc EU, Hàn Quốc và các quốc gia thân thiện khác ngừng nhập khẩu dầu từ Iran, kết quả là Trung Quốc nhận được những ưu đãi đáng kể. Iran đã bị tước các kênh cung cấp, do đó bắt đầu bán dầu thô sang Trung Quốc với giá rất thấp", — chuyên gia về khu vực Trung Đông, bà Jang Ji-Hyang, nhân viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính trị Asan của Hàn Quốc, nhận xét trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
Theo ý kiến của bà, bây giờ dầu giá rẻ có thể được cung cấp cho CHDCND Triều Tiên thông qua Trung Quốc, và điều đó sẽ giúp Bình Nhưỡng giảm tác động tiêu cực của biện pháp trừng phạt kinh tế.
"Trong khi Hoa Kỳ tiếp tục gây áp lực lên cả Iran và Bắc Triều Tiên để phi hạt nhân hóa hai quốc gia này, Tehran và Bình Nhưỡng sẽ tăng cường hợp tác. Tuy nhiên, khác với đa số quốc gia, Bắc Triều Tiên và Iran không tiết lộ tiềm năng (và phạm vi) của sự hợp tác, và chỉ giới thiệu thông tin về các cuộc gặp hữu nghị mang tính biểu tượng. Ngoài ra hiện nay Bắc Triều Tiên không muốn nói chi tiết về sự hợp tác vì điều này có thể tác động tiêu cực đến mối quan hệ với Mỹ", — bà Jang Ji-Hyang nói.
Chuyên gia Jang Ji-Hyang nêu ý kiến rằng, có khả năng Iran sẽ không có nhu cầu thực hiện những giao dịch bí mật như vậy, vì Hoa Kỳ sẽ đề xuất sáng kiến nối lại cuộc đối thoại, và cuối cùng Iran sẽ có thể né tránh lệnh cấm vận.
Ngoài ra, Tehran đã sẵn sàng để thương lượng, còn trong cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng sẽ phải trải qua quá trình dài phê chuẩn và nhượng bộ. Nếu cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân mới sẽ lâm vào chỗ bế tắc thì đảng Cộng hòa nhất định sẽ lợi dụng thông tin về sự hợp tác dầu mỏ (có thật hay tưởng tượng) giữa Iran và Bắc Triều Tiên để củng cố vị thế của mình cả ở Mỹ và trong các cuộc đàm phán quốc tế về giải trừ hạt nhân.