Ngành Công an: “Cuộc cách mạng lớn” trong sắp xếp bộ máy

Theo VOV, đây không chỉ là quyết tâm chính trị của Đảng ủy Công an Trung ương mà còn là quyết tâm của cả Bộ máy, từ Bộ Chính trị cho đến Quốc hội, Chính phủ…
Sputnik

Trong nỗ lực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, ngành công an đã chính thức công bố kế hoạch cắt giảm 6 Tổng cục, gần 60 đơn vị cấp cục. Ở cấp địa phương, 20 sở cảnh sát PCCC sau một thời gian thành lập, nay cũng được sáp nhập vào công an tỉnh, thành phố. Nếu tính cả Trung ương và địa phương thì có khoảng 800 đơn vị cấp phòng sẽ bị cắt giảm. 

Thứ trưởng Bộ Công an: “Không có chuyện khép kín xem xét đặc xá“

Người phát ngôn của Bộ công an đã gọi đây là "một cuộc cách mạng lớn" theo hướng bớt cấp trung gian, thu gọn đầu mối. Còn Thủ tướng thì khẳng định rõ ràng: Bộ Công an là một trong những bộ gương mẫu đi đầu trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 khóa XII một cách bài bản, khoa học, thận trọng, khách quan.

Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là một xu thế bắt buộc, không thể đảo ngược. Chủ trương này đã và đang được triển khai cả bề rộng lẫn bề sâu. Nhưng có một thực tế, trong quá trình triển khai, cấp xã nhìn cấp huyện, cấp huyện nhìn cấp tỉnh và cấp tỉnh nhìn cấp Trung ương. Ngay tại các Bộ, ngành ở Trung ương cũng có tình trạng "nhìn nhau mà làm", nhất là các Bộ, ngành đang tồn tại cấp trung gian là cấp Tổng cục. 

Đề án "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" thu hút sự quan tâm của người dân.

Bộ Công an bỏ 6 tổng cục, tinh giản gần 60 đơn vị cấp cục
Bởi vậy, khi Bộ Công an chủ động đề xuất phương án tinh giản bộ máy theo hướng cắt bỏ Tổng cục, giảm một nửa số Cục hiện có vào tháng 4 năm nay, dư luận đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt. Thậm chí, có người còn hoài nghi khi nói rằng: "đây là một nước cờ chính trị không dễ chơi" hay "tái cơ cấu ngành công an là cơ sở cắt giảm binh quyền của Bộ Công an". Tuy nhiên, vượt lên trên những hoài nghi đó, qua từng bước chắc chắn, Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành Công an đã được Bộ Chính trị thông qua, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Nghị định để triển khai thực hiện.

Không tổ chức cấp trung gian cũng có nghĩa là không còn tình trạng "bộ trong bộ", giải quyết được căn nguyên cơ bản làm cho bộ máy ngày càng phình to, cồng kềnh, nguồn lực bị phân tán….

Bộ máy Công an Việt Nam hoàn toàn mới?
Tuy nhiên, đụng chạm đến tổ chức, bộ máy là đụng chạm đến quyền lợi, chức vị, đụng chạm đến tâm tư, tình cảm. Tướng Lê Văn Cương- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an nhẩm tính "Chỉ riêng việc sắp xếp này đã đụng chạm đến 300 — 400 tướng tá công an tại vị". Người đứng đầu ngành Công an, Thượng tướng Tô Lâm cũng thừa nhận, sẽ có những khó khăn nhất định trong bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo chỉ huy hay việc thực hiện chế độ chính sách, ổn định tư tưởng, tâm tư tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định, không có lực cản nào khi triển khai việc tinh giản bộ máy. Ngành công an sẽ chủ động đề xuất, áp dụng các cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp. 

Thượng tướng Tô Lâm - bộ trưởng Bộ Công an - báo cáo về dự thảo Luật công an nhân dân sửa đổi sáng 7-6

Với việc tái cơ cấu quyết liệt, mạnh mẽ, ngành công an không chỉ giảm bớt số lượng tướng, tá mà tới đây, chắc chắn sẽ có cuộc điều chuyển lớn, từ cấp bộ xuống cấp tỉnh, từ cấp tỉnh xuống cấp huyện và từ cấp huyện về cấp xã theo đúng tinh thần "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở". Xét cho cùng, công cuộc quản lý trật tự xã hội phải gắn liền với cơ sở, địa phương chứ không phải nằm ở lực lượng chuyên nghiệp, được đầu tư ở cấp Bộ. Tới đây, công an ở cấp xã, thị trấn sẽ được xây dựng theo hướng chuyên nghiệp. Trước mắt, bố trí công an xã chính quy tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, tiến tới thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Với cách tổ chức mới, lực lượng công an sẽ gần dân hơn, bám sát cơ sở hơn, nắm tình hình và giải quyết hiệu quả các vấn đề an ninh trật tự.

"Trải qua 7 đời Bộ trưởng ngành Công an, tôi thực sự rất buồn khi nghe tin này"
Sẽ có những thay đổi lớn, sẽ có những cuộc điều động lớn nhưng chắc chắn, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này sẽ không thay đổi, vẫn là "thanh kiếm và lá chắn" để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ sự an toàn cho các tầng lớp nhân dân, tuyệt đối tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Khối lượng công việc trước mắt là rất lớn, có nhiều việc cần làm ngay, nhưng cũng có những việc không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều, phải tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, khách quan, khoa học. Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành Công an, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã  chỉ rõ: cần làm từng bước chắc chắn, chỗ nào chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng rồi thì triển khai làm. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng lưu ý: "Cần làm tốt công tác tư tưởng, phải đồng lòng nhất trí cao. Tuy lúc đầu có nhiều ý kiến nhưng khi đã quyết rồi thì phải làm, không bàn đi bàn lại, trong quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới".

Việt Nam: Bộ Chính trị thông qua đề án tinh giản bộ máy công an
Một cuộc cải cách chưa từng có trong ngành Công an. Điều này không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ủy Công an Trung ương mà còn là quyết tâm của cả Bộ máy, từ Bộ Chính trị cho đến Quốc hội, Chính phủ… Quá trình triển khai thực hiện đòi hỏi sự công tâm, công bằng, chính trực của người lãnh đạo chứ không thể máy móc hay có sự can thiệp của các nhóm lợi ích. Dư luận hy vọng, sau lần cải cách này, bộ máy của ngành Công an sẽ được hoàn thiện hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của ngành công an và sự phát triển của đất nước.

Thảo luận