Bà Lê Thị Nga — Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội trình bày một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Các đại biểu đã cùng thảo luận cụ thể những vấn đề còn băn khoăn.
Theo đó, về thời điểm đặc xá (Điều 5 dự thảo Luật), nhiều ý kiến nhất trí quy định 3 thời điểm đặc xá như dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (3 năm hoặc 5 năm/đợt); đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2.9, ngày Tết Nguyên Đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30.4.
Liên quan đến một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng xét đặc xá cả với người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTP đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng, ngoài 2 đối tượng được đề nghị đặc xá như quy định của dự thảo Luật thì bổ sung thêm đối tượng là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (người này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như người đang chấp hành hình phạt tù, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù).
Về các trường hợp không đề nghị đặc xá (Điều 12 của dự thảo Luật), theo Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga, một số ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành, không đề nghị đặc xá đối với người "trước đó đã được đặc xá" hoặc "có từ 2 tiền án trở lên".
Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm các trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với người bị kết án về tội phạm quy định tại Chương XIII, Chương XXVI và một số tội khác trong BLHS.
UBTP nhận thấy, Luật Đặc xá hiện hành quy định không đề nghị đặc xá đối với trường hợp "trước đó đã được đặc xá" hoặc "có từ 2 tiền án trở lên". Quy định này là chặt chẽ, phù hợp và qua thực tiễn thi hành không phát sinh vướng mắc, khó khăn.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Điều 12 dự thảo Luật đã được chỉnh lý, theo đó giữ lại 2 trường hợp không đề nghị đặc xá nêu trên; đồng thời, bổ sung các trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với người bị kết án về một số tội quy định tại Chương XIII (Các tội xâm phạm an ninh quốc gia), Chương XXVI (Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) và Tội khủng bố (Điều 299) của BLHS.
Cũng theo ý kiến thảo luận tại phiên họp, về trường hợp đặc xá đặc biệt, UBTP nhận thấy, báo cáo tổng kết Luật Đặc xá nêu, trong 10 năm qua chỉ có 14 người được đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước và quá trình thực hiện không phát sinh vướng mắc.
Do đó, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, UBTVQH đề nghị tiếp tục giao cho Chủ tịch Nước quyền chủ động quyết định mà không quy định cụ thể thế nào là "trường hợp đặc biệt".
Đồng thời, Điều 22 của dự thảo Luật chỉnh lý đã quy định rõ các đối tượng được đặc xá trong trường hợp đặc biệt gồm: Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được hưởng án treo, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người đang được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người đang chấp hành án phạt tù chung thân để phân biệt với các đối tượng được đặc xá nhân ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước.