Phát biểu tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị ngoại trưởng ASEAN và các đối tác, đối thoại ở Singapore mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lần đầu tiên thừa nhận nước này quân sự hóa Biển Đông, coi đó là một "biện pháp tự vệ" trước "sức ép từ bên ngoài khu vực".
Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia đều không tỏ ra bất ngờ trước tuyên bố này của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bởi nó nằm trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế cho rằng, việc Trung Quốc viện cớ "sức ép từ bên ngoài khu vực" để quân sự hóa Biển Đông chính là sự ngụy biện. Trung Quốc đã hoàn tất việc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông và ngang nhiên đưa vũ khí, khí tài đến một số thực thể trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, vì lẽ đó họ không ngại che giấu mưu đồ nữa.
Tuy nhiên, ông Lê Việt Trường cũng khẳng định, điều này không có gì bất ngờ. Khi ông còn tham gia Quốc hội, thời điểm đó Trung Quốc mới manh nha củng cố một số thực thể ở quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm đóng phi pháp của Việt Nam từ năm 1974.
Khi ấy, ông Trường đã cảnh báo, nếu Trung Quốc đã toan tính như thế với việc vẽ bản đồ đường lưỡi bò thì sớm muộn nước này cũng leo thang thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông, tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
"Bản chất mưu đồ của Trung Quốc là không thay đổi, chỉ là thời điểm họ tuyên bố lúc nào mà thôi", ông Trường nói.
Hơn nữa, để biện minh cho hành động quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc còn viện cớ một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ, đã điều một lượng lớn khí tài chiến lược vào khu vực, đặc biệt là Biển Đông.
"Rõ ràng, tình hình Biển Đông ngày càng xấu đi vì đang từ một khu vực tiềm ẩn các nguy cơ giờ đã bị đẩy lên một bước mới. Việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa trên thực tế, chứ không phải lời nói, đã đưa tình hình khu vực Biển Đông tiệm cận tới giới hạn nguy hiểm", ông Lê Việt Trường cảnh báo.
"Trên thực tế, Trung Quốc đã xây dựng một số đảo nhân tạo, đưa một số vũ khí, khí tài quân sự đến một số thực thể nằm trong quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhưng về mặt chính trị, ngoại giao, Trung Quốc mất rất nhiều vì tất cả các nước trong khu vực, nếu trước đây còn có nước lừng chừng, thì bây giờ đã nhận diện đầy đủ bản chất của Trung Quốc. Như thế, Trung Quốc đã tự cô lập họ trong khu vực này, đặc biệt trong mối quan hệ với các nước ASEAN.
Để giải quyết vấn đề Biển Đông, theo ông Lê Việt Trường, phải dựa vào một yếu tố quan trọng là ASEAN.
"Khối ASEAN đã đạt được nhiều tiến bộ trong quan điểm nhìn nhận vấn đề Biển Đông, đó là điểm rất thuận lợi.
Việt Nam là nước có quyền lợi trực tiếp trên Biển Đông, phải kết hợp đấu tranh trên tất cả các phương diện (chính trị, ngoại giao, pháp lý…), đặc biệt phải bảo đảm các hoạt động trên đất liền cũng như trên biển diễn ra bình thường.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức đang tham gia hoạt động trên biển bình tĩnh khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Việt Nam thực hiện quyền của một nước có độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển theo đúng luật pháp quốc tế", ông Lê Việt Trường phân tích.