Cơ quan nghiên cứu của Fitch nhận định, mặc dù 2 năm qua đã có vài thương vụ thoái vốn đáng chú ý từ các ngân hàng ngoại, tuy nhiên, tổ chức này tin rằng, môi trường hoạt động tại Việt Nam vẫn rất hấp dẫn với các tổ chức tín dụng quốc tế. Fitch dự báo, nhiều khả năng các ngân hàng ngoại tiếp tục tham gia thị trường Việt Nam thông qua hình thức thành lập các chi nhánh 100% vốn ngoại.
Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam của ANZ vừa công bố cho thấy, ngân hàng này tiếp tục nhìn nhận khả quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 2 năm tới với dự báo tăng trưởng GDP năm nay là 6,8% và năm 2019 là 7% sau khi đạt mức ấn tượng trong nửa đầu năm nay.
Trong bối cảnh của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ — Trung, ANZ cho rằng Việt Nam có thể có được những lợi ích nhất định từ cuộc xung đột này, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu.
ANZ cho rằng, triển vọng dài hạn của Việt Nam cũng tích cực nhờ các yếu tố như nhân khẩu học thuận lợi, lực lượng lao động có trình độ, các cải cách kinh tế đang được thực hiện và lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức như việc cần tập trung bảo đảm lạm phát ở mức mục tiêu, giữ cho tăng trưởng tín dụng không quá mạnh và tăng cường các bảng cân đối của khu vực tài chính.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's ngày 10/8 dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,4%/năm trong giai đoạn 2018-2022. Hãng nhận định sức mạnh kinh tế của Việt Nam là sự kết hợp từ cả tăng trưởng cao và sức cạnh tranh cao, khi đang trong quá trình chuyển dịch sang các ngành có giá trị gia tăng cao.
Moody's cũng nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ B1 lên Ba3 và điều chỉnh triển vọng từ tích cực sang ổn định.
Đánh giá của Moody's được đưa ra dựa trên tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ với sự hỗ trợ từ việc sử dụng ngày càng hiệu quả lực lượng lao động và nguồn vốn trong nền kinh tế.
Theo Moody's, kỳ hạn trung bình của trái phiếu Chính phủ dài và giảm dần sự phụ thuộc vào nợ bằng ngoại tệ cho thấy sự ổn định và giảm dần gánh nặng nợ của chính phủ, nhất là nếu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ được duy trì dài hơn dự kiến.
Cấu trúc trái phiếu của Chính phủ Việt Nam cũng hạn chế sự tác động của các "cú sốc" tài chính. Việc nâng mức xếp hạng nói trên đối với Việt Nam cũng cho thấy sự cải thiện "sức khỏe" của ngành ngân hàng mà Moody's dự báo sẽ được duy trì dù là từ các mức tương đối yếu.
Moody's cũng nâng mức trần tín nhiệm đối với trái phiếu ngoại tệ (FC) dài hạn từ Ba2 lên Ba1 và mức trần tín nhiệm đối với tiền gửi FC dài hạn từ B2 lên B1
Trong "Bình luận kinh tế" hàng tuần của mình công bố trên trang mạng thepeninsulaqatar.com ngày 12/8, Ngân hàng Trung ương Qatar (QNB) đã nhận định rằng "con hổ" mới nhất của châu Á hiện nay là Việt Nam khi quốc gia Đông Nam Á đang nổi lên thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Theo phân tích của QNB, một loạt các chỉ số cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang bùng nổ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là mức tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế Việt Nam kể từ năm 2011.
QNB đánh giá thành công về công nghiệp chế tạo và xuất khẩu đạt được là nhờ khả năng của Việt Nam trong việc thu hút các dòng vốn lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực như may mặc, giày dép và nhất là điện tử.
Dữ liệu mới nhất cho thấy dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng đang bùng nổ, với giá trị ước tính đạt 13 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
QNB khẳng định sự thành công về kinh tế của Việt Nam là đáng chú ý bởi điều này diễn ra vào thời điểm nhiều nền kinh tế đang phát triển phải vật lộn để bắt kịp với sự thành công của những "con hổ" trước đây của châu Á như Singapore hay Hàn Quốc.
Theo nhận định của QNB, nền tảng cho sự thành công trên chủ yếu xuất phát từ cơ cấu nhân khẩu học thuận lợi, sự ổn định chính trị cũng như vị trí địa lý của Việt Nam…
Ngoài ra, nghiên cứu gần đây của nhóm chuyên gia thuộc Viện Brookings tại Mỹ nhấn mạnh rằng khả năng xây dựng trên những nền tảng vững chắc này thông qua các chính sách hiệu quả là những gì đang thực sự làm cho Việt Nam vượt hơn hẳn các nước khác.Cụ thể, có 3 yếu tố đặc biệt quan trọng. Thứ nhất là Việt Nam đã hăng hái theo đuổi tự do hóa thương mại trên cả hai phương diện song phương và đa phương.
Các hiệp định thương mại làm giảm đáng kể những loại thuế quan mà các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt, giúp hội nhập Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu và thúc đẩy hơn nữa đầu tư FDI.
Thứ hai, đầu tư của Việt Nam vào vốn nhân lực, tức là giáo dục, giúp Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng nhân khẩu học của mình.
Nổi bật là Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kiểm tra các học sinh trung học về toán, khoa học và các môn học khác, đã xếp Việt Nam ở mức thứ 8 trong số 72 nước tham gia, trước nhiều nền kinh tế hàng đầu của OECD.
Thứ ba, đầu tư vào vốn nhân lực của Việt Nam đã được hỗ trợ bởi sự tiến bộ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của quốc gia. Việt Nam đã liên tục vươn lên trên bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng như trong các khảo sát về kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.
QNB cũng chỉ ra những yếu tố có thể là động lực phát triển kinh tế mới để đảm bảo Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì vị thế một "con hổ" kinh tế của châu Á trong vài năm tới.
Điểm số PISA cao cho thấy Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu một cách dễ dàng hơn so với hầu hết các thị trường mới nổi. Triển vọng tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực dịch vụ cũng khá xán lạn với ngành du lịch là một ứng cử viên hàng đầu có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.
Theo QNB, với các số liệu mới nhất cho thấy lượng khách du lịch trong tháng Sáu tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước, động cơ tăng trưởng này đang góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam trở nên mạnh mẽ và đạt được thành công.