Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông Alexander Mikheev, giám đốc điều hành tập đoàn Rosoboronexport, nói về tình trạng hiện tại và triển vọng phát triển hợp tác với các nước Đông Nam Á.
Theo ông Alexander Mikheev, đối với Rosoboronexport, diễn đàn "Quân đội" là một trong những hoạt động quan trọng nhất để tổ chức cuộc gặp với khách hàng, với các doanh nghiệp thuộc khu phức hợp công nghiệp quân sự Nga, để tiến hành các cuộc đàm phán kinh doanh và để giới thiệu các loại vũ khí và trang thiết bị trên thao trường huấn luyện chiến đấu. Ngoài ra, đây là một cơ hội tuyệt vời để cho thấy tiềm năng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga và các tính năng thực sự của thiết bị quân sự Nga có tính đến những kinh nghiệm đã được thu lượm trong các cuộc xung đột quân sự cục bộ.
Năm nay, trong khuôn khổ diễn đàn "Quân đội", đại diện của Rosoboronexport gặp gỡ với các phái đoàn đến từ khoảng hai chục nước ngoài và hơn 50 công ty, tổ chức một số cuộc họp của ủy ban liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật- quân sự, các hội thảo về sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng và sự hợp tác công nghệ quốc tế. Chắc chắn, tất cả các hoạt động này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển hợp tác kỹ thuật — quân sự của Nga với nước ngoài.
"Nhiệm vụ của chúng tôi là hoàn thành tất cả các cam kết giao hàng đúng thời hạn quy định tại các hợp đồng xuất khẩu vũ khí trong năm nay. Đến nay, chúng tôi thực hiện kế hoạch này thậm chí trước thời hạn: đã giao các lô hàng xuất khẩu trị giá 7 tỷ USD. Mặc dù Nga đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt, danh sách các đơn đặt hàng của Rosoboronexport có trị giá hơn 45 tỷ USD. Chúng tôi tiếp tục làm việc với các đối tác truyền thống và thiết lập quan hệ với những nước mới thể hiện sự quan tâm đến việc mua vũ khí Nga", — ông Alexander Mikheev cho biết.
Theo ông Mikheev, vào năm 2019 Nga sẽ bắt đầu giao hàng cho Thổ Nhĩ Kỳ theo hợp đồng cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-400. Ngoài ra, trong cuộc đấu thầu quốc tế, Nga đã giành được quyền cung cấp trực thăng cho Hải quân Ai Cập. Nhân dịp này, Rosoboronexport được giao nhiệm vụ thực hiện các công việc bổ sung trên tàu "Mistral" của Ai Cập để các trực thăng Nga có thể làm việc ở đó. Sau khi hoàn thành các cuộc tham vấn kỹ thuật về thiết bị bổ sung, hai bên sẽ bắt đầu đàm phán về hợp đồng cung cấp trực thăng Ka-52k. Ngoài ra, trong năm nay sẽ hoàn thành dự án xây dựng trung tâm dịch vụ máy bay trực thăng chiến đấu ở Venezuela. Theo kế hoạch, trong năm tới, nhà máy sản xuất súng trường tấn công Kalashnikov ở Veenzuela sẽ được đưa vào hoạt động.
Các đối tác truyền thống của Nga trong sự hợp tác kỹ thuật —quân sự là các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Nam và Đông Nam Á. Trả lời câu hỏi của "Sputnik" về tình trạng hiện tại và triển vọng phát triển hợp tác với các nước trong khu vực rộng lớn này, ông Alexander Mikheev cho biết:
"Khu vực này đang phát triển tích cực, GDP ở các nước này có mức tăng cao nhất trên thế giới. Nền kinh tế của Trung Quốc, Singapore, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ đang tăng trưởng. Chắc chắn, khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đặc biệt Đông Nam Á là những thị trường chủ chốt hiện nay. Bao gồm cả thị trường vũ khí. Ngoài các khách hàng truyền thống, chúng tôi tìm được những đối tác mới. Ví dụ, một đối tác mới là Philippines. Hy vọng rằng, Bộ Quốc phòng Philippines sẽ thể hiện sự quan tâm lớn hơn đến sản phẩm của các tập đoàn vũ khí Nga: máy bay trực thăng, vũ khí bộ binh, kỹ thuật ô tô quân sự".
Gần đây, các phương tiện truyền thông Nga tích cực thảo luận về khả năng từ bỏ đồng đô la trong hoạt động thương mại với nước ngoài, kể cả trong sự hợp tác kỹ thuật quân sự. Trả lời câu hỏi: liệu Rosoboronexport đã sẵn sàng từ bỏ USD và sử dụng những đồng tiền khác, ông Alexander Mikheev chỉ ra rằng, điều này là khá thực tế.
"Trong khi Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt, chúng tôi đôi khi phải làm việc trong điều kiện khi không có khả năng thanh toán bằng đô la. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này với các ngân hàng phục vụ các dự án của chúng tôi cũng như với nhiều khách hàng của chúng tôi. Trong trường hợp này nhà nước có thể sử dụng những biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, tức là thanh toán về các sản phẩm xuất khẩu đã được giao. Chúng tôi đang xem xét khả năng thu hút các khoản vay của nhà nước, khả năng thanh toán bằng đồng rupee Ấn Độ, nhân dân tệ, đồng rúp và thậm chí các giao dịch hàng đổi hàng (barter). Các đối tác của chúng tôi hiểu biết nhận thức hậu quả của tình huống này, vì các lệnh trừng phạt cuối cùng gây tổn hại cho họ. Nhiều quốc gia cho rằng, việc gây áp lực bằng lệnh trừng phạt không khác gì sự can thiệp vào các công việc nội bộ của họ".
Hiện tại, Liên bang Nga đứng vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu vũ khí. Có chú ý đến điều đó, phóng viên đã nêu câu hỏi với Giám độc điều hành của Rosoboronexport: Khi nào Nga sẽ đứng đầu thị trường vũ khí trên thế giới?
Ông Alexander Mikheev nói: "Rõ ràng, Nga có tham vọng như vậy, trước hết bởi vì ngành công nghiệp quốc phòng trong nước tạo ra những cơ hội để tiến lên. Các đơn đặt hàng trong lĩnh vực quốc phòng cũng như các hợp đồng lớn của nhà nước và chương trình vũ khí quốc gia đã thúc đẩy quá trình sản xuất thiết bị quân sự mới. Nga đã thu lượm những kinh nghiệm sử dụng các loại kỹ thuật mới trong hoạt động chiến sự (ở đây nói về Syria). Ngoài ra, chúng tôi đạt được tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo các sản phẩm quốc phòng. Do đó, việc chính thức ra mắt và tiếp cận thị trường thế giới là một trong những nhiệm vụ chiến lược của Rosoboronexport. Chúng tôi có chương trình ra mắt thị trường các sản phẩm như tàu tên lửa cỡ nhỏ nhỏ "Karakurt", xe tăng lội nước "Sprut", tổ hợp phòng không "Viking" và phiên bản mới hệ thống phòng không "Tor". Trong tương lai thậm chí có thể nói về phiên bản xuất khẩu của xe tăng "Armata". Tôi chắc chắn rằng, với những sản phẩm như vậy Nga có thể tự tin tiếp cận thị trường thế giới và cạnh tranh thành công ở đó.