Việt Nam có khoảng 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân

Chuyên gia của WB cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao (khoảng 60 tỷ USD) mà vẫn chưa huy động hết, theo vov.
Sputnik

Nhiều ý kiến tại Diễn đàn Vốn — Tài chính ngày 21/8 đề cập đến giải pháp phát triển thị trường vốn, với nhận định Việt Nam vẫn còn lượng tiền lớn nhàn rỗi trong dân trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải dùng "tín dụng đen" để làm ăn.

Còn 60 tỷ USD tiền nhàn rỗi trong dân

Ông Alatabani — chuyên gia trưởng thị trường tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, tới khoảng 60 tỷ USD nằm trong người dân mà chưa huy động hết.

"Khi đầu tư dài hạn, cần nghĩ xem làm cách nào để huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân, đồng thời, tạo ra môi trường tốt để có khoản đầu tư dài hạn, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu chứng khoán của Việt Nam phát triển", ông Alatabani góp ý.

Còn theo ông Ketut Kusuma — chuyên gia cao cấp về thị trường vốn của WB, các nguồn tích lũy tiết kiệm cần được đầu tư vào đâu là câu hỏi cần được quan tâm. Vấn đề đặt ra là làm thế nào huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong các hộ gia đình để họ yên tâm khi đầu tư vào các kênh khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, gửi ngân hàng, ông Ketut Kusuma lưu ý.

Ông Ketut Kusuma đưa ra một số khuyến nghị như tăng cường tính minh bạch trong khung thông tin, tiếp tục công cuộc cải cách thị trường trái phiếu Chính phủ, thúc đẩy hệ thống đầu tư tư nhân, mở rộng quỹ đầu tư hưu trí, quỹ bảo hiểm xã hội, phát hành trái phiếu rộng rãi trong công chúng, mở rộng quy mô của các quỹ nhà nước, đặc biệt là quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ lương hưu.

Chứng khoán, tiền tệ — kênh cấp vốn chính

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thị trường tài chính trong những năm qua chưa phát triển đúng theo mong muốn nhưng thị trường chứng khoán và tiền tệ vẫn phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Đây là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế.

Những năm gần đây, thị trường chứng khoán có nhiều điểm đột phá. Vốn hóa thị trường chứng khoán năm 2017 tăng trên 70%. Với thị trường tiền tệ, tính chung, tỷ lệ tín dụng trên GDP khoảng 130%. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp thấp, chỉ chiếm 1,25%, trong khi quy mô trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm chủ yếu. Đây đều là nguồn vốn ngắn hạn nên nhu cầu vốn vay trung dài hạn lớn, tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Theo bà Hồng, với nguồn vốn hiện tại, tỷ trọng vốn ngắn hạn chiếm 70% nhưng đã cải thiện nhiều so với 5-6 năm trước. Áp lực cho vay trung, dài hạn vẫn lớn và các tổ chức tín dụng phải đối mặt với rủi ro về chênh lệch kỳ hạn. Đối với trái phiếu chính phủ, các tổ chức tín dụng vẫn nắm hơn 80% lượng trái phiếu.

Bà Hồng cho hay, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước chú trọng cân đối nguồn vốn để kiểm soát rủi ro, nhất là ở thị trường bất động sản, chứng khoán. Chính sách lãi suất cũng khuyến khích nguồn vốn dài hạn để cải thiện nguồn vốn dài hạn.

Bên cạnh đó, chính sách lãi suất và chính sách tỷ giá được quan tâm để tránh những rủi ro về chênh lệch kỳ hạn, Phó Thống đốc NHNN thông tin thêm.

Thảo luận