Cán bộ sai, dân "gánh"?

Chuyện sai phạm của công trình Mường Thanh tại TP Đà Nẵng ngày càng gay cấn bởi cách thức xử lý và quy trách nhiệm sai phạm xuất hiện những quan điểm trái ngược, Báo NLĐ phản ánh.
Sputnik

Trong thông tin phát đi ngày 21-8, chính quyền Đà Nẵng mà đại diện là ông Huỳnh Cự, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn — nơi có công trình Mường Thanh, nói sẽ ứng tiền phục vụ việc cưỡng chế phần xây dựng sai để pháp luật được nghiêm minh. Trước đó, ngày 19-8, ông Cự quả quyết nếu chủ đầu tư không bồi thường thỏa đáng cho 104 hộ dân lỡ mua những căn hộ sai phép của Mường Thanh thì chính quyền sẽ hỗ trợ pháp lý để các hộ dân khởi kiện.

Kỷ luật 56 cán bộ diện Trung ương quản lý

Sự cương quyết trên phát đi cùng lúc dư luận khẳng định Mường Thanh sai phạm ở nhiều địa phương nhưng chỉ riêng Đà Nẵng là làm cương quyết nhất. Chuyện phải xử lý sai phạm để pháp luật được thượng tôn là việc chắc chắn phải làm, nhưng cách xử lý của Đà Nẵng liệu đã ổn thỏa?

Nghe qua thấy ổn nhưng xâu chuỗi các dữ liệu thì thấy mấu chốt vấn đề chưa giải được. Đó là quyền lợi của người mua căn hộ đã bị bỏ ngỏ, bằng chứng là chính quyền chỉ đưa ra giải pháp sẽ hỗ trợ pháp lý nếu người dân kiện chủ đầu tư, chứ không có cam kết nào khác, không đả động đến những thiếu sót mà cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã "ngó lơ" để Mường Thanh vô tư sai phạm. Bởi, nếu cơ quan chức năng, địa phương không buông lỏng thì sẽ không dẫn đến hậu quả 104 hộ dân đưa tiền cho ông chủ Mường Thanh để rồi vướng vào vòng kiện tụng. Việc kiện tụng này sẽ rất mất thời gian, thắng kiện chưa chắc đã lấy ngay được tiền khi Mường Thanh chây ì như kiểu chây ì khắc phục sai phạm.

Sự thật, dân Việt đang phải nuôi bao nhiêu cán bộ?
Sự thật là các hộ dân lãnh đủ trong câu chuyện Mường Thanh, nhưng vụ này không là hy hữu, bằng chứng là ngân sách đã phải gánh không biết bao nhiêu vụ chính quyền, cán bộ làm sai. Nhiều nhất có thể kể đến chuyện bồi thường trong các vụ án oan sai; chuyện các dự án đầu tư hạ tầng theo vốn vay ODA hoặc BOT trục trặc buộc ngân sách phải chi trả. Hẳn dư luận khó quên dự án BOT cầu Phú Mỹ (TP HCM), chính quyền phải lấy tiền ngân sách trả nợ thay cho chủ đầu tư khi đơn vị này tuyên bố không có khả năng trả nợ cho ngân hàng nước ngoài, với mỗi năm trả 280 tỉ đồng, đến năm 2020 mới hết nợ. Theo Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân có những thiếu sót ở dự án này là do văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện dự án BOT, BT chưa đầy đủ, chậm ban hành nên cán bộ thực hiện lúng túng.

Không ai phủ nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp, của cán bộ mẫn cán, giàu kinh nghiệm cho sự ổn định và phát triển của đất nước. Nhưng không vì thế mà "nhân nhượng" cho các sai phạm của doanh nghiệp hoặc phớt lờ sai phạm của cán bộ, cơ quan, ban ngành. Phải sòng phẳng, sai phải sửa, năng lực yếu phải chịu trách nhiệm và chấp nhận bị đào thải. Không làm ngay thì tình trạng cán bộ sai, doanh nghiệp chây ì khắc phục để rồi người dân gánh hết sẽ ngày một nhiều hơn. Như vậy sao được!

Thảo luận