Tận mắt chứng kiến tám vực sâu ngoạn mục nhất hành tinh

Moskva (Sputnik) – Hố sâu và vực thẳm luôn hấp dẫn những người tìm kiếm cảm giác mạnh - ở đây anh có thể cảm thấy mình giống như nhân vật trong cuốn tiểu thuyết “Hành trình vào tâm Trái đất” ("Journey to the Center of the Earth") của Jules Verne. Những nơi như vậy thực sự xứng đáng để đến bằng xe địa hình hoặc bằng trực thăng.
Sputnik

Sputnik giới thiệu dưới đây tám trong số những hố thẳm ngoạn mục nhất trên thế giới.

Hố sâu mới xuất hiện

Gần đây, tại huyện Shatkovsky của tỉnh Nizhny Novgorod (Nga) đã xuất hiện một hố sâu có đường kính hơn 30m và sâu hơn 50 mét do hậu quả vỉa đá ở dưới lòng đất bị sụt xuống.

Hố lớn đường kính 32 mét sâu 50 mét trên cánh đồng huyện Shatkovsky tỉnh Nizhny Novgorod (Nga)

Những hố sâu như vậy không phải là chuyện hiếm ở khu vực này: gần làng Boldyrev có một hố sâu đường kính hơn 100 mét, ở làng Buturlino — hố sâu có đường kính khoảng 60 mét.

"Hố sâu được hình thành từ rất lâu, trước khi giới truyền thông đưa tin về nó — nữ cư dân làng Neledino, bà Katerina Gnilushina cho biết — Và bây giờ những cuộc hành hương thực sự bắt đầu nhằm đến ngôi làng yên tĩnh của chúng tôi."

Bà Katerina cũng kể rằng những hố sâu nổi tiếng nhất và nhiều người đến thăm nhất nằm ở vùng núi đá vôi và hang động Ichalkovsky Bor, cách làng Neledino chừng 12 km. Các chuyên gia hang động nghiệp dư ở khắp nơi kéo về đây, trong số đó có cả người nước ngoài.

Dân mạng xã hội thậm chí sáng tác nhiều chuyện tiếu lâm về các hố sâu trên trái đất.

"Thêm một đối tượng tham quan xuất hiện trong khu vực bạn. Theo nghĩa đen có thể thu tiền vào cổng" — Alexander Aronovich viết, kèm theo một đoạn trong bộ phim "12 chiếc ghế " với hình ảnh hồ Proval ở Pyatigorsk.

"Cổng địa ngục"

Vực Darvaz ở Turkmenia được người dân địa phương gọi là "Cổng địa ngục". Vực này xuất hiện trong nửa sau thế kỷ XX khi khoan giếng dầu khí. Các nhà địa chất đã bắt gặp một hang rỗng, nơi đất sụp xuống tạo thành một hố lớn chứa khí. Để ngăn chặn người và động vật bị ngộ độc khí, người ta quyết định đốt cháy hố khí này. Lúc đầu tưởng hố sẽ cháy hết sau vài ngày, nhưng ngọn lửa đã cháy ròng rã trong gần 50 năm.

Miệng núi lửa "Darvaza" ở Turkmenistan

"Đây là một hố sâu rất lớn ở giữa sa mạc không người, bên trong là những ngọn lửa, còn hơi nóng xung quanh thì táp vào mặt bỏng rát, — ông Azad đến từ Ashgabat nói — Phản ứng đầu tiên của tôi là sợ hãi, lo lắng xuất phát từ tiềm thức. Có thể hiểu được tại sao nơi này lại được gọi là "Cổng địa ngục".

 

 

"Tốt nhất, bạn hãy đến với Darwaz trước bình minh, khi đó bạn sẽ thấy miệng núi lửa trong bóng tối và ánh bình minh — bà Lyubov Pavlova, giám đốc công ty lữ hành tổ chức các chuyến du lịch nói: — Và hãy nhớ rằng con đường từ Ashgabat đến đây đi mất hơn ba tiếng đồng hồ, nửa giờ cuối phải đi trên đường rừng".

Hố nước xanh ở Rạn san hô Belize Barrier

Hố sụt đầy nước nằm dưới mực nước biển này được gọi là lỗ xanh, tương phản ngoạn mục với làn nước xanh thẫm ở trung tâm và nhạt hơn xung quanh. Hố xanh ở rạn san hô Belize Barrier thực sự là rất lớn: đường kính của nó là 300 mét, độ sâu là 124 mét. Để chiêm ngưỡng thắng cảnh tự nhiên này, rất đáng để bay vòng quanh hố trên trực thăng.

Hố nước xanh ở Rạn san hô Belize Barrier

Miệng núi lửa Yasur trên đảo Vanuatu

Núi lửa đang hoạt động này được coi là núi lửa thân thiện nhất và dễ tiếp cận nhất hành tinh. Chiều cao của nó là khoảng 360 mét trên mực nước biển, đường kính miệng núi lửa khoảng 400 mét. Khách du lịch thường đến núi lửa vào ban đêm để chiêm ngưỡng những viên đá nóng đỏ và dòng dung nham tuôn trào.

Miệng núi lửa Yasur trên đảo Vanuatu

Hố lớn ở Nam Phi do núi lửa hình thành trong vụ nổ magma qua vỏ trái đất, cũng như một mỏ kim cương khổng lồ ngừng hoạt động. Đây là mỏ lớn nhất được tạo ra mà không cần sử dụng máy móc. Trong giai đoạn từ 1866-1914, chỉ với cuốc và xẻng, đã khai thác được khoảng 2.700 kg, hoặc 14,5 triệu carat kim cương.

Hố lớn ở Kimberley, Nam Phi

Hố sâu ở thành phố Guatemala

Đây là hố sâu xuất hiện sau vụ sụt lở đất ở Guatemala trong năm 2010. Khi đó, một nhà máy may ba tầng sụt xuống, chìm vào lòng đất cùng với tòa nhà lân cận. Đường kính của hố là 20 mét, độ sâu hơn 30 mét. Cho đến nay các nhà địa chất vẫn không biết nguyên nhân chính xác của sự cố này — ảnh hưởng của cơn bão nhiệt đới gây lở đất và lũ lụt, hệ thống thoát nước đổ nát hay là vi phạm quy định an toàn trong việc xây dựng đường hầm dưới lòng đất.

Hố lở đất đường kính 20 mét và sâu 30 mét ở thành phố Guatemala

Hố nước đập Monticello, Hoa Kỳ

Đây là một trong những hồ chứa nước lớn nhất thế giới có cấu trúc đặc biệt được thiết kế để hạ thấp mực nước trong mùa lũ lụt. Trong hơn nửa thế kỷ, nhiều tấn nước đã chảy xuống hố phễu khổng lồ, thu hút những người săn ảnh khắp nơi trên thế giới đến với miền Bắc California.

Hố xả nước trong đập chứa Monticello, Hoa Kỳ

Giếng Dâng Hiến ở Bồ Đào Nha

Giếng Dâng Hiến nằm trong tổ hợp cung điện-công viên Quinta da Regaleira cách không xa thành phố Sintra. Công trình này có thể chứa được một ngôi nhà tám tầng, là gallery hình xoắn ốc với nhiều vòm và chín nhịp.

Giếng Dâng Hiến ở Sintra, Bồ Đào Nha

Người ta ​​cho rằng những cấp độ này tượng trưng cho chín vòng địa ngục mà Dante đã mô tả. Cũng có ý kiến cho rằng giếng này là nơi tổ chức các nghi lễ tôn giáo, nhưng không có bằng chứng tài liệu nói về điều đó.

Thảo luận