Đường lối của Đảng phải thể hiện lợi ích, khát vọng của dân

“Thời nào cũng vậy, giữ được ngọn lửa tình yêu của nhân dân, giải quyết khát vọng của người dân thì dân theo. Đây là bài học Đảng vì dân”, PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thanhtra cho bíêt.
Sputnik
PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng.

Đảng đồng hành, gắn bó máu thịt với nhân dân

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) chưa đến 5.000 đảng viên nhưng đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám. Đó là nhờ Đảng có ngọn lửa tình yêu của nhân dân, giải quyết khát vọng của người dân.

Thành công đó, phải kể đến bài học đầu tiên, quan trọng nhất là Đảng ta đã đề ra được đường lối chính trị đúng, giải quyết được những vấn đề của dân tộc và của thời đại.

Đó là, không chỉ giải phóng dân tộc, đất nước ta sẽ xây dựng một xã hội mới người dân được làm chủ vận mệnh của mình. Chính quyền là của dân, do dân và vì dân, chính quyền công — nông — binh, bảo đảm lợi ích cho đa số người dân, chứ không phải là chính quyền của một nhóm người áp bức bóc lột.

"Đường lối đó được quán triệt xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Chính vì thế, đã hiệu triệu được rất nhiều người dân, từ nông dân đến công nhân, thậm chí cả bộ phận giai cấp phong kiến, tư sản dân tộc cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Họ nhìn thấy trong đường lối, chủ trương của Đảng CSVN có lợi ích của mình", Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng nói.

Bài học nữa là Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân. Đảng là những con người cụ thể, Đảng từ nhân dân mà ra, Đảng phục vụ nhân dân thì phải gắn với dân suốt con đường cách mạng. Đảng đồng hành với nhân dân, đi đầu trong cuộc cách mạng, nhiều đảng viên bị bắt, bị tù đày, thậm chí nhiều người hy sinh tính mạng của mình.

"Chúng ta đã biết đến rất nhiều tấm gương hy sinh anh dũng của các thế hệ lãnh đạo, đảng viên trong những thời kỳ trước đây, từ đó người dân càng tin Đảng, đi theo Đảng. Đây là bài học còn nguyên giá trị cho hôm nay, người đảng viên, người cán bộ phải biết hy sinh lợi ích của mình để thực hiện sứ mệnh cao cả hơn đó là vì hạnh phúc của nhân dân", ông Tuấn nhấn mạnh.

Đến nay, đường lối của Đảng không dừng lại mà phải bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với xu thế của thời đại. Nhưng điểm xuất phát vẫn là lợi ích của nhân dân, đem lại lợi ích cho đa số nhân dân.

"Thời nào cũng vậy, giữ được ngọn lửa tình yêu của nhân dân, giải quyết khát vọng của người dân thì dân theo. Đây là bài học Đảng vì dân", Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng nêu rõ, Đảng ở đây là ai, đó là từng tổ chức Đảng, từng đảng viên. Khi được nhân dân tin yêu, họ mới bảo vệ Đảng, sẵn sàng hy sinh cho Đảng và đi theo Đảng đến cùng.

"Quay trở lại câu chuyện Cách mạng Tháng Tám có thể thấy hiếm có cuộc cách mạng nào mà huy động được nhiều sức dân như cuộc cách mạng này. Muốn huy động được nhân dân không phải chỉ ở đường lối đúng — đó mới chỉ là một nửa, còn một nửa khác quan trọng hơn nhiều đó là tổ chức thực hiện. Trong đó tấm gương đảng viên về sự hy sinh, tinh thần phục vụ là quan trọng nhất", ông Tuấn nhận định.

Không giữ được đoàn kết sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường

Bên cạnh đó, đoàn kết luôn là sức mạnh của dân tộc. Nhưng, theo PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, không có sự đoàn kết nào không có cội nguồn là đường lối, chủ trương. Đường lối chủ trương đúng sẽ tập hợp được người dân, tất cả các thành phần, giai tầng trong xã hội tập hợp với nhau thành sức mạnh khi họ thấy đường lối đó có lợi ích của họ trong đó.

Để phát huy hiệu quả những giá trị của lịch sử phải tiếp tục xem lại lợi ích thiết thực của các giới, các giai tầng là gì, người công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân…

"Đường lối, chính sách phải tạo mọi cơ hội cho họ bình đẳng, để tất cả đều phát huy hết khả năng của mình làm giàu chính đáng. Không vì lợi ích của một nhóm giai cấp này mà ảnh hưởng đến giai cấp khác, hay vì một nhóm người này mà ảnh hưởng đến lợi ích của toàn dân tộc", Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng bày tỏ.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, giải quyết mối quan hệ lợi ích này phải tính toán, không để một vùng nào, một dân tộc nào, tầng lớp yếu thế nào quá nghèo, quá khổ, thậm chí đói kém; phải có chính sách đầu tư thế nào, đào tạo nguồn nhân lực ra sao, chính sách hỗ trợ thế nào để không để họ tụt hậu khá xa, có như vậy mới tập hợp sức mạnh đoàn kết của các dân tộc trong nước và thế giới.

"Hiện nay chúng ta đang hoàn thiện tất cả các chủ trương, đường lối, chính sách về phát triển kinh tế — xã hội. Các chủ trương đó phải có sự tham góp của nhân dân, thậm chí rất cần đến sự phản biện xã hội để hoàn thiện chủ trương đó. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận của nhân dân đối với Đảng, đồng hành với Đảng và sẽ luôn duy trì được tinh thần đoàn kết dân tộc", ông Tuấn nhấn mạnh, đoàn kết sẽ làm nên những vấn đề rất lớn lao, ngược lại không giữ được sức mạnh đó sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường.

Vấn đề làm thế nào để đường lối đúng? Theo PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, phải huy động sức dân. Bởi, bản thân Đảng chỉ là bộ phận tiên tiến, còn đông đảo người dân thì sẽ có nhiều sáng kiến góp ý cho Đảng, chính sách của Nhà nước.

"Vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị — xã hội, vai trò của các cơ quan báo chí rất quan trọng. Phản biện mục tiêu là làm cho chính sách tốt hơn. Muốn có đường lối đúng phải nghiên cứu, lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đúng đắn từ phản biện, nắm tình hình trong nước và quốc tế", ông Tuấn lưu ý.

Và muốn phát huy vai trò của nhân dân về xây dựng Đảng, tham gia về xây dựng đảng viên trong sạch thì phải cung cấp thông tin cho dân, công khai với dân, thực hiện rộng rãi dân chủ với dân.

Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng nói thêm, người dân luôn luôn mong muốn Đảng ta phải thực sự đổi mới, thực sự chỉnh đốn, lãnh đạo đất nước không chỉ đem lại kết quả về kinh tế — xã hội mà còn xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Thảo luận