Chuyện chưa kể về người bảo vệ lễ đài 2/9 cách đây 73 năm

Hơn 70 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng ký ức về ngày độc lập đầu tiên của dân tộc vẫn in đậm trong tâm trí của những người có mặt tại Quảng trường Ba Đình ngày hôm đó, theo Dân trí.
Sputnik

Căn nhà của ông Phạm Văn Đốc — vị Đội trưởng Đội công an từng tham gia bảo vệ lễ đài ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) nằm sâu trong căn ngõ nhỏ tại phố Hàng Quạt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Dù đã 94 tuổi, mắt mờ, chân tay yếu thế nhưng ký ức về những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc vẫn được người cựu binh này nhớ nguyên vẹn.

Cuôc tuần hành thị uy đặc biệt của Việt Minh cách đây hơn 70 năm

Năm 1943, sau khi tổ chức Việt minh đầu tiên của Nhà máy Điện Yên Phụ được thành lập, thì chỉ một năm sau đó, ông Đốc đã vượt qua được các thử thách để được kết nạp vào tổ chức.

Ông Đốc kể: "Nhiệm vụ của tôi lúc đó là rải truyền đơn, dán áp phích tuyên truyền và cũng làm công tác tuyển chọn những công nhân khác trong nhà máy tham gia cách mạng. Ngày đó, giặc lùng bắt Việt Minh rất gay gắt, các cán bộ hoạt động bí mật là công nhân của nhà máy đều phải hết sức cẩn thận trong công tác tuyên truyền. Chỉ sơ sẩy một chút là lộ ngay".

Thời điểm đó, sau mỗi giờ làm tại nhà máy điện, ông Đốc cùng nhóm công nhân tham gia cách mạng lại ở lại tập trung luyện tập võ dưới sự hướng dẫn của các võ sư cũng là công nhân trong nhà máy. Các lớp học được mở công khai và hoàn toàn miễn phí. Ông Đốc vẫn nhớ rõ, thầy dạy võ của mình khi đó có hai người là ông Phùng và ông Diệu, nhà ở số 14 Yên Phụ.

Hôm nay, kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2/9

Những ngày tháng 8 năm 1945, tình hình Hà Nội rất căng thẳng. Lúc đó, chính phủ bù nhìn thân Nhật là Trần Trọng Kim đã đề nghị Việt Minh tham gia chính phủ nhưng bị từ chối. Để lấy lại tinh thần, Chính phủ Trần Trọng Kim đã ra lệnh tất cả các công chức phải tham gia mít tinh ngày 17/8 tại nhà hát lớn Hà Nội.

Hôm đó, ông Đốc cùng với các đồng chí của mình tại nhà máy Điện Yên Phụ được tổ chức thông báo có mặt. "Khi chúng tôi đang làm việc thì có nghe tổ chức báo về, hội viên chức chuẩn bị tổ chức mít tinh để ủng hộ ông Trần Trọng Kim, đưa chính phủ bù nhìn lên nắm quyền. Mọi người đều được dặn dò sẽ nói gì, hô khẩu hiệu gì. Tuy nhiên, trong số này nhiều người còn không biết mình sẽ giành chính quyền", ông Đốc kể.

Vị cựu Đội trưởng Đội công an Sở Bắc Bộ nhớ lại, lúc đó công nhân nhà máy Điện Yên Phụ có hàng trăm người tham gia, trong đó có cả lãnh đạo nhà máy cũng xin đi cùng.

Tại đường Paulbert (nay là phố Tràng Tiền), người đi xem rất đông, công chức thì mặc áo trắng. Khi ban tổ chức mít tinh phát biểu tuyên bố lý do trên lễ đài, người của Việt Minh xông lên giành micro và tuyên bố Nhật đã đầu hàng, kêu gọi đồng bào ủng hộ Việt Minh. Cùng lúc đó, phía bên trên lễ đài, lá cờ cách mạng tung bay trước sự bất lực của đám lính.

Dù đã 94 tuổi, mắt mờ, chân tay yếu thế nhưng ký ức về những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc vẫn được người cựu binh này nhớ nguyên vẹn.

Không khí sôi sục, chiến đấu dâng cao khắp nơi, hàng trăm, hàng ngàn người cùng đồng thanh hô khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh", "ủng hộ Việt Minh", "Việt Nam độc lập". Trước khí thế không thể ngăn cản đó, đám lính bảo an chỉ biết đứng im quan sát sau đó từ từ rút lui. Nhân cơ hội đó, lực lượng cách mạng cử người canh gác luôn tại những cơ sở đã giành được. Tiếp đó, trong hai ngày 18 và 19-8-1945, phong trào cách mạng lan rộng khắp Hà Nội, các khu vực trọng yếu dần đã được tiếp quản.

Ông Đốc nhớ lại: "Đến cuối ngày 19-8, tại Hà Nội chỉ còn duy nhất một trại an ninh, bây giờ là khu vực rạp Tháng 8 chưa giành được. Ở đây có một đại đội lính cối xanh đang chiếm đóng, được trang bị tiểu liên và xe tăng của Nhật. Việc giành chính quyền ở đây kéo dài từ sáng đến tận 5 giờ chiều mới có kết quả. Trước sự bao vây của quân dân ta, lính Nhật đã phải rút lui còn số lính bảo an ở đây thì đầu hàng vô điều kiện".

Ký ức lịch sử ngày 2/9

Cách mạng tháng 8 thành công, chính quyền về tay nhân dân, Sở Công an Bắc bộ được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng mới và ông Phạm Gia Đốc vinh dự được đảm nhiệm chức vụ Đội trưởng Công an của đơn vị.

Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên mà ông Đốc đảm nhiệm là tham gia bảo vệ lễ đài tại Quảng trường Ba Đình. "Khi dó, do tính chất đặc biệt của nhiệm vụ, vai trò của những đội bảo vệ cũng vô cùng quan trọng nên mọi người chỉ được thông báo trước khi buổi lễ diễn ra hai ngày. Chỉ những chiến sĩ có thể hình, thể lực tốt, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống nguy hiểm xảy ra mới được lựa chọn", ông Đốc kể.

Sau khi được thông báo nhiệm vụ, các chiến sĩ trong tổ bảo vệ lễ đài được sắp xếp ngủ nghỉ luôn tại Sở Công an. Việc trực chiến như vậy với ông Đốc và các đồng đội không có gì khó khăn nhưng cảm giác sắp được tham gia một nhiệm vụ quan trọng đến như vậy khiến mọi người đều mất ngủ vì hồi hộp.

Ông Phạm Quang Đốc và bức ảnh ngày 2-9 lịch sử

Theo kế hoạch buổi lễ mít tinh lịch sử ngày 2/9/1945 diễn ra vào lúc 14 giờ nhưng lực lượng bảo vệ đã phải có mặt từ sáng sớm để chuẩn bị. Các chiến sĩ được phát đồng phục, quần dài trắng, đứng cách khu vực lễ dài nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn Độc lập chỉ vài bước chân.

Lúc bây giờ, Quảng trường Ba Đình là một bãi đất rộng mênh mông có thể chứa tới hàng chục vạn người. Lễ đài đã được một số kiến trúc sư dựng bằng gỗ từ hôm trước, cao gần 5m, xung quanh phủ nhung đỏ, trên viền trắng. Đội bảo vệ của ông Đốc được chia ra làm 3 nhóm, mỗi nhóm có 10 người đứng bảo vệ ở vòng thứ hai. Ngoài ra còn các anh Giải phóng quân ở chiến khu mới về, vòng ngoài cùng là lực lượng thanh niên.

Chiều 2/9 hôm ấy, trời trong xanh, ít mây và không quá nắng gắt. Đến 14 giờ chiều, Quảng trường Ba Đình đã không còn một chỗ trống. Biển người với đủ mọi thành phần, tầng lớp, từ những em thiếu nhi trên tay cầm cờ, đến các bà, các mẹ tay cầm gậy gỗ đều nghiêm trang, hồi hộp hướng mắt về Quảng trường, chờ đợi giây phút Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn đầu tiên của dân tộc.

Trong suốt thời gian diễn ra buổi lễ, ông Đốc và những chiến sỹ bảo vệ lễ đại chỉ nhìn về phía trước, không được phép quay lại hay ngẩng đầu lên nhìn, nên cũng vì thế mà không được nhìn thấy Bác đọc Bản tuyên ngôn Độc lập thế nào. "Lúc Bác đọc Tuyên ngôn cả quảng trường lặng yên phăng phắc. Tôi nghe thấy giọng bác trầm ấm. Thỉnh thoảng đang phát biểu, bác lại dừng lại hỏi: "Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?", cả biển người trào lên: "Có! Có!". Bản thân tôi lúc đó vô cùng xúc động vì không nghĩ một vị lãnh tụ vĩ đại lại biết quan tâm đến dân chúng và bình dị đến vậy", ông Đốc nhớ lại.

Sự tiếc nuối không được nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Đốc sau đó cũng được bù đắp khi ông được gặp Bác tới bốn lần. Cũng theo như lời kể của ông Đốc, chính ông là người đã dẫn ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Bác Hồ) vào Phủ Chủ tịch gặp Bác trong lần từ Nghệ An ra thăm.

"Ngoài ra, tôi còn được gặp Bác nhiều lần khác như lần ở Sở Công an Bắc bộ, Công an Hoàn Kiếm. Sau khi từ Paris về, Bác còn tặng tôi một huy hiệu hình lá cờ Việt Nam để gắn lên cổ áo. Rất tiếc, những món quà quý giá ấy đã bị bom đạn vùi lấp hết", ông Đốc bùi ngùi nói.

Đến ngày 19/12/1946, khi Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, Sở Công an Bắc Bộ giải thể để thực hiện nhiệm vụ mới, ông Đốc cùng đồng đội bám trụ tại Hà Nội trong gần 8 năm để chiến đấu trong lòng địch. Sau này, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đốc cũng tham gia truy bắt gián điệp tại các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang.

Sau này khi chuyển ngành, ông Đốc về nhận nhiệm vụ làm Hiệu phó của trường Đào tạo nghiệp vụ công nhân kỹ thuật của Hà Nội. Đến khi chiến tranh tiếp tục xảy ra, ông Đốc lại từ bỏ trường lớp, nhận nhiệm vụ đưa đón, dẫn đường cho bà con đi sơ tán và phát triển kinh tế ở vùng tự do.

Sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông Đốc tham gia đoàn cán bộ miền Bắc vào công tác ở miền Nam ba năm với nhiệm vụ hỗ trợ công tác quản lý và đào tạo cán bộ. Đến năm 1979, ông trở ra Bắc và nghỉ hưu.

Thảo luận