Ký ức sống động về ngày 2.9 lịch sử của vị đại tá 97 tuổi

Trong ký ức của Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, ngày 2.9.1945 là một ngày đặc biệt, ông chưa bao giờ thấy Hà Nội đông người tới vậy, mọi người đổ về quảng trường Ba Đình trong niềm hân hoan hiện rõ trên gương mặt, theo LĐO.
Sputnik

Quốc khánh đầu tiên của chàng trai Thủ đô

PV báo Lao Động tìm tới nhà Đại tá Nguyễn Trọng Hàm — nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô — vào một ngày Hà Nội mưa tầm tã, cơn mưa này gối sang cơn khác như không dứt. Căn nhà nhỏ của ông nằm sâu trong con ngõ chỉ vừa 1 xe máy trên đường Hồng Hà, phía ngoài đê sông Hồng.

Vị đại tá cương nghị năm nào giờ đã 97 tuổi, tóc đã bạc trắng, chân đã  chậm tay đã run nhưng trí nhớ còn khá minh mẫn, ông hào hứng kể về ngày 2.9.1945 — ngày Quốc khánh đầu tiên của những chàng thanh niên Thủ đô khi đó.

Chuyện chưa kể về người bảo vệ lễ đài 2/9 cách đây 73 năm

Sinh năm 1922, 22 tuổi ông tham gia cách mạng. Gia đình ông có nghề làm thiếc ở số nhà 53 phố Hàng Thiếc, đây là cơ sở vỏ bọc của ông trong suốt thời kỳ hoạt động trong Đội danh dự với nhiệm vụ tuyên truyền mọi người theo Việt Minh, rải truyền đơn, tiễu trừ Việt gian, phản động.

Khi Cách mạng tháng Tám thành công, để chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2.9 tại Quảng trường Ba Đình, ông và những thành viên trong Đội danh dự làm nhiệm vụ bảo vệ ở phía Đông thành Hoàng Diệu.

"Hôm ấy đường phố Hà Nội đông đúc lạ thường, người ở mọi nơi đổ về quảng trường Ba Đình từng đoàn, từng đoàn theo hàng ngay ngắn, không còn những ánh mắt dò xét, đề phòng, chỉ còn lại những khuôn mặt vui tươi như đi trẩy hội", Đại tá Hàm hồi tưởng.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm trong căn phòng nhỏ của ông.

Trong ký ức của Đại tá Hàm về ngày 2.9 năm ấy là những niềm vui mà từ trước tới giờ ông chưa bao giờ có. Vui vì sắp được thấy Bác Hồ, vui vì đất nước được độc lập, dân tộc được tự do.

"Trong niềm hăng hái ấy, có lúc tôi và các đồng đội đã định hoà vào dòng người tiến về quảng trường Ba Đình, nhưng rồi đã kịp phanh lại, mãi sau tôi mới theo dòng người tiến vào quảng trường", Đại tá Hàm nhớ lại.

Lần đầu tiên được thấy Bác Hồ

Theo đại tá Hàm, ngày hôm ấy, ông được nghe bản Tuyên ngôn độc lập qua hệ thống loa phát thanh. "Tôi nghe được từ đầu tới cuối, từ khi bác nói "Tôi nói đồng bào nghe rõ không" cho đến khi Bác đọc hết bản Tuyên ngôn độc lập", Đại tá Hàm kể.

Ngay khi Bác Hồ vừa đọc xong bản Tuyên ngôn, tiếng vỗ tay, hò reo, tiếng hô khẩu hiệu vang trời. Dòng người bắt đầu đi diễu hành trên quảng trường Ba Đình trong tiếng nhạc.

Hôm nay, kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2/9

"Lúc này, tôi cũng hoà vào dòng người đi về phía quảng trường Ba Đình và đấy là lần đầu tiên tôi được thấy Bác Hồ, lần đầu tiên tôi được thấy Bác không phải qua ảnh, qua lời kể", Đại tá Hàm xúc động.

Trong ký ức của chàng trai 23 tuổi, Bác Hồ khi ấy gầy quá, "tôi đứng từ xa nhìn lên lễ đài, thấy Bác gầy quá, gầy hơn trong ảnh rất nhiều", Đại tá Hàm hồi tưởng.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm cùng đồng đội chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ sau Chiến dịch Lê Hồng Phong - Thu Đông năm 1950.

Sau giây phút chớp nhoáng quý giá ấy, vị đại tá cùng dòng người mít tinh  dần rời khỏi quảng trường Ba Đình trong niềm hân hoan, những cánh tay cùng vung lên cao sau tiếng hô khẩu hiệu vang trời.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm năm nay đã 97 tuổi, trước khi nghỉ hưu năm 1983, ông đã từng kinh qua nhiều vị trí tại Quân khu Thủ đô. Ông vinh dự được nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Thảo luận