Trong thời kỳ Xô viết, các phương tiện truyền thông Việt Nam thực tế không tách biệt Nga và Liên Xô, nước lớn nhất và quan trọng nhất trong Liên Xô. Liên Xô, bao gồm nước Nga, được nhân dân Việt Nam coi là "anh cả", luôn sẵn sàng giúp đỡ Việt nam. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Moskva từ bỏ ý thức hệ cộng sản và con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, sự thay đổi kinh tế và xã hội chính trị đã khiến Việt Nam quan tâm sâu sắc hơn đến nước Nga.
Một trong những chuyên gia hàng đầu về Việt Nam, cộng tác viên khoa học Viện Nghiên cứu phương Đông, ông Anatoly Sokolov dành nhiều thời gian nghiên cứu về vấn đề này. Ông đã nói về phát hiện của mình trong hội nghị bàn tròn gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông tổ chức. Trả lời phỏng vấn Sputnik Việt Nam, ông Sokolov cho biết:
"Sự quan tâm đến Nga ở Việt Nam là ổn định và thông tin về Nga đang có nhu cầu lớn ở nước này. Sau khi Liên Xô sụp đổ, hình ảnh nước Nga trên các phương tiện truyền thông Việt Nam đã trải qua những thay đổi đáng kể. Trong những năm 90, đó là hình ảnh "nước Nga thời Yeltsin" — một đất nước trong tình trạng chính trị bất ổn và kinh tế khó khăn.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Putin năm 2001 đã mở đầu cho sự hình thành một hình ảnh mới — "Nước Nga thời Putin" với nền kinh tế trỗi dậy và ban lãnh đạo mạnh mẽ, coi trọng đáng kể sự hợp tác với Việt Nam. Động lực phát triển tương tác giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, quân sự, khoa học, kỹ thuật, văn hóa và du lịch đã góp phần vào gia tăng sự quan tâm khách quan của truyền thông Việt Nam đối với nước Nga."
Kết luận này của nhà khoa học Nga được xác nhận bởi các quan sát của chuyên gia Việt Nam: nếu ở đầu thế kỷ này, chủ đề Nga chỉ giới hạn trong phản ánh các trường hợp khẩn cấp, các sự kiện cực đoan, thì đến thập niên thứ hai của thế kỷ 21, chủ đề Nga được đề cập liên tục trong hàng loạt ấn phẩm. Xuất hiện những ấn phẩm trực tuyến mới đề cập đến chủ đề Nga theo những hướng khác nhau: ngoại giao, chính sách đối ngoại, kinh tế, văn hóa. Ví dụ: các trang web mekongnet.ru, baonga.com, nhandan.com.vn và một số trang khác.
"Tất cả các sự kiện quan trọng trong đời sống nước Nga, cũng như các sự kiện liên quan được phản ánh chi tiết trong các ấn phẩm truyền thông Việt Nam — nhà khoa học Nga cho biết. — Và đồng thời, thông thường, nội dung các bài viết như vậy đều có nội dung thân thiện. Theo hình dung của người Việt Nam, Nga là một đất nước vĩ đại với nhân dân tài năng, chưa bao giờ chùn bước trước những thử thách khó khăn nhất."
Đồng thời, trong các ấn phẩm trực tuyến phi chính phủ riêng biệt, đôi khi xuất hiện những bài viết làm mất uy tín nước Nga, ban lãnh đạo và chính sách của Nga theo hướng Việt Nam — một trong những thành viên tham gia "hội nghị bàn tròn" tại Moskva, giám đốc Học viện Hồ Chí Minh tại Đại học Quốc gia St. Petersburg, ông Vladimir Kolotov cho biết khi trả lời phỏng vấn SputnikViệtNam. Tuy đồng ý với quan sát này của đồng nghiệp, Anatoly Sokolov vẫn nhấn mạnh rằng những sự kiện tiêu cực như thế không ảnh hưởng đến sự hình thành hình ảnh nước Nga tại Việt Nam. Theo ông Sokolov, các phương tiện truyền thông của Nga và Việt Nam phải cùng nhau đối phó với những thông tin sai lạc, vu khống đó.
Nhân tiện nói thêm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỉ cũng ủng hộ quan điểm như vậy. Cách đây không lâu, khi đến thăm Sputnik Việt Nam, ông Nguyễn Thế Kỉ lưu ý:
"Các phương tiện truyền thông của hai nước cần phải tương tác chặt chẽ hơn, với sự tin cậy lớn hơn. Bởi vì, cùng với thông tin đáng tin cậy từ các phương tiện truyền thông Nga và Việt Nam, chúng ta không ít khi gặp các thông tin phương Tây gây hiểu lầm, làm mất uy tín quan hệ Việt — Nga, làm méo mó bản chất tình hữu nghị giữa hai nước. Chúng ta phải cùng nhau đối phó với các thông tin đó một cách xứng đáng. Chúng ta phải thể hiện một cách thuyết phục rằng quan hệ của chúng ta đã vượt qua được thử thách của thời gian, hiện đang phát triển nhân danh sự thịnh vượng và hạnh phúc của nhân dân hai nước chúng ta."