Sống giữa hai cõi âm - dương: Nơi người chết được chào lần cuối

Bước qua cánh cửa tầng trệt của đài hỏa táng là một thế giới khác, ngăn cách với cõi dương gian. Đó là nơi người chết được người sống cúi đầu chào lần cuối, Dân trí trích Người lao động đưa tin.
Sputnik

Để chúng tôi không phải "choáng" khi tìm hiểu về nghề hỏa táng, anh Phạm Ngọc Ân, người có thâm niên làm việc gần 20 năm ở Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP HCM), trấn an rằng nhiều người đồn thổi những câu chuyện hoang đường về nghề nghiệp, về anh em chúng tôi. Nhưng thực tế, công việc chúng tôi chỉ khác chăng là có phần hơi đặc biệt. "Chúng tôi luôn động viên nhau nên tự hào vì mình đang làm công việc… rất tình người" — anh Ân nói.

Vào nơi hỏa táng

Đi theo anh Ân, chúng tôi chen chân cùng một đoàn người vào dự đám tang. Chiếc quan tài đầy ắp hoa chia buồn đặt sau di ảnh, phía trên một chiếc bàn đá được thiết kế hệt một huyệt mộ cỡ lớn. Cúng bái xong, nhiều người lần lượt tháo những chiếc khăn tang trên đầu đặt lên áo quan. Chiếc áo quan được hạ xuống huyệt, chạm phải một chiếc bàn cố định đặt sẵn bên dưới. Bấy giờ, 4 công nhân với chiếc xe đẩy chuyên dụng đã đợi sẵn. Họ cẩn trọng đưa chiếc quan tài đến khu vực lò thiêu đã được xác định trước. Những tiếng khóc tấm tức vang lên khiến bầu không khí càng nặng nề, u ám. Có người quá đau buồn, cố nhào theo chiếc quan tài, người nhà phải ghì chặt, cản lại.

Dân Trung Quốc bức xúc vì chính quyền phá quan tài, cấm chôn người chết
Thế nhưng, theo anh Ân, hình ảnh khiến ai mới vào làm ở Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa cũng "ớn" nhất là khi bước qua cánh cửa tầng trệt của đài hỏa táng. Một thế giới khác ở đó, ngăn cách với cõi dương gian. Đó là nơi cuối cùng người chết rời dương thế. "Thoáng nghe, nhiều người đã lạnh sống lưng. Một cõi âm u, phảng phất mùi tử khí nhưng thực tế nơi đây không lạnh lẽo. Bởi nhiệt độ tỏa ra từ những chiếc lò rực đỏ hơn 1.000 độ C. Đây chính là nơi làm việc của những công nhân hỏa táng" — anh Ân đều giọng chia sẻ.

Phòng hỏa táng rất rộng với gần 21 lò. Các công nhân cẩn trọng đưa áo quan vào lò, trang trọng cúi chào người đã khuất xem như lời tiễn biệt cuối cùng dành cho họ. Cửa đóng lại, lò bắt đầu rực lửa. Sức nóng kinh khủng. Tùy thuộc vào áo quan, thời gian hỏa táng có thể kéo dài từ 2 đến 3 giờ.

Ở lò bên cạnh, hai anh công nhân mở lò, mồ hôi nhễ nhại, tỉ mẩn lấy phần tro cốt đang còn rất nóng bỏ vào một chiếc khay hình chữ nhật rồi di chuyển sang căn phòng kế đó. Tro cốt sẽ được cho vào những chiếc hũ và đánh số cẩn thận. Tại đây, những con người khoác lên mình bộ đồng phục nhân viên hỏa táng vẫn đang miệt mài, chăm chút từng li, từng tí một cho công việc của mình. Họ cẩn trọng và lặng lẽ chu toàn với tâm niệm "nghĩa tử là nghĩa tận".

Buồn vui với nghề

Đội hỏa táng có hơn 20 nhân công, không có ai là phụ nữ. Với đặc thù công việc, phần thì vất vả lại vui ít, buồn nhiều nên không phải ai cũng làm được. Rất khó trụ được ở nơi này.

Theo người quản lý trung tâm, lò hoạt động 24/7, chỉ trừ ngày mùng 1 Tết nguyên đán. Trung bình mỗi ngày tiếp nhận trên dưới 40 trường hợp. Nhân công chia nhau làm theo ca để kịp thời gian giao tro cốt cho gia quyến. Cũng có nhiều khi "quá tải", cả người lẫn máy đều hoạt động hết công suất.

Vậy nên đôi lúc ước mơ của người làm công nơi đây chỉ là một bữa cơm chung với vợ con mà cũng khó. Bởi mỗi khi có thi thể đưa đến thì họ phải ở lại làm cho xong xuôi, giao tro cốt cho người nhà rồi mới an tâm ra về và thế là lỗi hẹn bữa cơm gia đình.

Từ năm 20 tuổi, nối nghiệp cha, anh Ân đã gắn bó với nghề hỏa táng như "duyên nợ". Kể thêm về chuyện nghề, anh nói anh em công nhân hỏa táng buồn nhất là ít ai trân quý cái nghề của mình. Nhiều người hễ nghe nói về "nghề hỏa táng" là vội né! Chưa kể, có người còn đang tâm đồn thổi những câu chuyện hoang đường về nghề nghiệp, về anh em chúng tôi. "Thực tế chúng tôi cũng chỉ là những con người bình thường, làm việc để mưu sinh. Riêng tôi, may mắn hơn nhiều người, tôi được vợ hiểu và trân trọng cái nghề tôi đang làm" — anh Ân thổ lộ.

Chen vào câu chuyện, anh Nguyễn Văn Lương — một công nhân hỏa táng — cho hay khi mới vào làm, anh cảm thấy gai gai sống lưng, rồi nghĩ lung tung vì cả ngày toàn tiếp xúc với tử thi. "Dần dần mới thấy công việc ở lò hỏa táng không những cần tới sức lực, hiểu biết mà còn phải đặt cả cái tâm vào đấy" — anh nói.

Khi được hỏi làm ở đây các anh có sợ "ma" không, cả hai anh cười thật to: "Mình cũng sống tâm linh nhưng không dị đoan. Đôi khi làm nghề này còn được khá nhiều thứ. Trong đó, nhiều nhất là những lời cảm ơn, những cái nắm tay hay đơn giản là cái gật đầu từ gia chủ sau khi việc hậu sự cho người thân của họ được lo tươm tất".

Đậm tình người

Nằm quạnh quẽ phía sau cùng của Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa là khu nhà chứa tử thi vô thừa nhận. Phía trước căn phòng là hai container lớn chứa đầy tro cốt từ nhiều nơi trong TP HCM đưa về.

Bước đến khu vực này, nhiều người yếu vía chỉ chực chạy đi. Còn đối với những người làm việc ở đây, "sự vong như sự tồn". Lặng nhìn những thi thể vô danh, nằm lạnh lẽo, đìu hiu nhiều anh em không cầm được nước mắt. Sau khi khám nghiệm, bàn giao, những thi thể vô thừa nhận này được hỏa táng, rồi cho vào những chiếc hũ, chiếc bọc gói ghém, ghi thông tin cẩn thận. Đều đặn mỗi ngày rằm, mùng một, họ lo nhang khói cho người đã khuất.

Thảo luận