Trọng tài bóng đá Việt Nam - những 'ông vua tưởng tượng'

Chức vô địch V.League 2018 đã thuộc về CLB Hà Nội một cách thuyết phục, các nhà tổ chức hẳn đã nghĩ về một mùa giải sớm “về đích an toàn”, theo Zing.
Sputnik

Nhưng "may mắn" thay, trọng tài Trần Văn Lập đã khiến giới chuyên môn và người hâm mộ nhớ ra vấn nạn của Vleague.

Bầu Đức: Trọng tài Việt Nam không dở, sao cứ sai với HAGL?

Kể từ khi V.League ra đời, chưa có một thống kê nào về số lượng các sai lầm của trọng tài, nhưng có thể khẳng định, không một mùa giải nào, các ông "vua áo đen" không làm dậy sóng cầu trường với các quyết định gây phản ứng dữ dội, uy hiếp trực tiếp đến an toàn giải đấu.

Hàng loạt sai lầm

Điểm lại hai mùa giải gần nhất, tạm bỏ qua những sai lầm về nhận định như thẻ vàng hay thẻ đỏ, có phạt đền hay không phạt đền, vào hay chưa vào… thì mùa vua sân cỏ cũng có những quyết định cực kỳ khó hiểu bị giới chuyên môn đánh giá "ngồi trên luật, sáng tạo luật".

Tại vòng 15 mùa giải 2016, trong trận đấu giữa Khánh Hòa và Quảng Nam, trọng tài Phùng Đình Dũng đã có quyết định thuộc loại vô tiền khoáng hậu khi không công nhận bàn thắng của Khánh Hoà ở phút bù giờ của hiệp 2 bởi ông cho rằng, cầu thủ của đội bóng phố biển chơi không fair-play.

Bê bối trọng tài và sự tồn vong của V-League
Bị tước mất bàn thắng oan uổng, đội bóng phố biển đã phải nhận thất bại với tỷ số 0-1 ngay trên sân nhà. Ông Dũng nhiều năm liền được Ban trọng tài đăng ký trọng tài FIFA, thường xuyên bắt trận đấu khó, nhưng đó cũng là lần cuối người ta thấy vị trọng tài người Hà Nội cầm còi.

Mùa giải năm sau, cũng lại là một trọng tài FIFA, ông Nguyễn Hiền Triết làm trọng tài thứ 4 (trọng tài bàn) cuộc so tài giữa Long An và Bình Dương trên sân Tân An. Ông Triết làm cả sân đấu ngỡ ngàng với việc giơ bảng bù giờ đến… hai lần. Không có một quy định nào trong bóng đá cho phép trọng tài giơ bảng bù giờ hai lần một hiệp đấu.

Con ông Trưởng ban trọng tài VFF bị cho dừng công việc tại V-League
Việc này đã vô tình làm đội chủ nhà Long An bị gỡ hòa 1-1 ở phút 90+6. Khán giả địa phương phản ứng tức giận đòi "xử" tổ trọng tài. Tuy nhiên, không biết Ban trọng tài đưa ra án phạt nội bộ thế nào, V.League 2018 ông Triết vẫn là trọng tài FIFA điều khiển các trận đấu trong và ngoài nước.

Gần đây nhất là sự việc trọng tài Nguyễn Trọng Thư sáng tạo luật trong mùa giải 2018 diễn ra vào vòng 2 V.League 2018. Trong trận đấu giữa CLB Hà Nội và Cần Thơ, xét thấy Dyachenko có những phản ứng thái quá với mình, ông Thư cho dừng trận đấu khi bóng sống và rút thẻ vàng cảnh cáo. Nhưng con trai Trưởng ban trọng tài thay vì cho các cầu thủ Hà Nội hưởng quả đá phạt gián tiếp ở nơi bóng dừng lại tự ý sửa luật, cho trận đấu bắt đầu bằng quả thả bóng chạm đất.

Mất hai vòng đấu tạm nghỉ vì án kỷ luật, ngay trận đấu trở lại cầm còi ở vòng 6, ông Thư lại mắc lại một tình huống giống y hệt trong chuyến làm khách của Nam Định trên sân Cẩm Phả với các cầu thủ chủ nhà Quảng Ninh. Hệ quả là ông Thư tiếp tục được cho nghỉ. Trớ trêu thay, trọng tài người Đà Nẵng lại ngồi bàn, chứng kiến những sai lầm "tệ hại" của người đồng nghiệp Trần Văn Lập trong trận đấu chiều ngày 15/9.

Bi hài quên rút thẻ

Trưởng ban trọng tài VFF: Tiêu chí bằng cử nhân hợp lý, bầu Đức không thích thì nghỉ
Trở lại với trận đấu Quảng Ninh làm khách trên sân Bình Dương thuộc vòng 22 V.League 2018. Đây là trận đấu được giới cầm còi đánh giá dễ thở, khi 2 đội bóng không còn khả năng cạnh tranh cho ngôi vô địch và bỏ xa nhóm cuối bảng.

Hết hiệp một, mọi chuyện diễn ra đúng như dự đoán, ông Lập làm tốt nhiệm vụ của mình, khán giả hài lòng với thế trận cởi mở được hai đội tạo ra, cầu thủ thi đấu chừng mực không có các pha tranh chấp ác ý. Thế nhưng 45 phút hiệp 2 thật sự là "thảm họa" của trọng tài người Đà Nẵng.

Ở tình huống bóng trúng mặt Dương Văn Khoa phút 65, ông Lập cực kỳ tự tin với quyết định thổi phạt đền của mình. Vị trọng tài có kinh nghiệm 10 năm điều khiển V.League cười rất tươi khi rút thẻ đỏ cầu thủ Quảng Ninh. Không có một lời tư vấn vào từ trợ lý trọng tài Nguyễn Lâm Minh Đăng được đưa ra nên ông Lập càng tự tin vào quyết định của mình. Rốt cục Quảng Ninh chấp nhận chơi thiếu người nhưng may mắn thoát thua trong pha đá phạt đền.

Chỉ 2 phút sau, không biết ông Lập có ý định "thổi bù" cho Quảng Ninh hay không khi tiếp tục tưởng tượng ra quả 11 m. Trọng tài người Đà Nẵng xác định vị trí cầu thủ Bình Dương phạm lỗi trong vòng cấm, nhưng thực tế, khán giả truyền hình đều có thể nhận ra sai lầm của vị vua sân cỏ. Tình huống này, ông Lập cũng không được trợ lý Cao Thanh Tú hỗ trợ.

Khán giả theo dõi trận đấu đến lúc này đã rất ngao ngán nhưng màn trình diễn trong "tấn bi kịch" mang tên Trần Văn Lập vẫn chưa dừng lại. Vị này quên rút thẻ đỏ sau khi 2 lần cảnh cáo thẻ vàng với Hồ Tấn Tài của Bình Dương và bẻ còi không công nhận bàn thắng của đội bóng Đất thủ. Đó là tình huống kéo dài trong vài phút nhưng không một vị trợ lý nào thông báo với trọng tài chính qua bộ đàm. Chỉ đến khi giám sát Phạm Chu Thiện lao xuống sân thì mọi việc mới vỡ lẽ.

Nữ trọng tài bóng đá gợi cảm nhất mọi thời đại
Trọng tài Trần Văn Lập đương nhiên là người phải chịu trách nhiệm chính cho các quyết định của bản thân nhưng các trợ lý của ông trong trận đấu này cũng đáng trách không kém. Không phải bỗng dưng họ được gọi là trợ lý trọng tài thay vì là "trọng tài biên" như cách gọi dân dã. Không thể hiện được vai trò là cánh tay nối dài của trọng tài chính, ắt hẳn một án kỷ luật cũng đang chờ đợi các trợ lý Nguyễn Lâm Minh Đăng, Cao Thanh Tú, Nguyễn Trọng Thư sau trận cầu "thảm họa" trên sân Gò Đậu.

Nếu để liệt kê hết những pha sai luật của các trọng tài Việt Nam sẽ cần một nghiên cứu chuyên sâu từ Ban trọng tài hay Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, không khó để nhận ra vấn đề của các ông Vua áo đen xuất phát từ đâu. Chính cách đào tạo trọng tài bất hợp lý nhiều năm qua đã sản sinh ra những vấn đề hiện tại.

Giới trọng tài không cần và không thể ngồi chờ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đại hội xong mới chuyển mình. Và Liên đoàn bóng đá Việt Nam còn để V.League là con tin của các ông vua áo đen đến bao giờ?

Thảo luận