Biển Đông

Cuộc chạy đua vũ trang dưới biển Đông

Tuần trước, tàu ngầm Kuroshio của Nhật Bản đã đến thăm cảng Cam Ranh. Nhiều năm qua, Việt Nam và Nhật Bản từng hợp tác với nhau trong lĩnh vực an ninh, cho nên tàu ngầm Nhật Bản xuất hiện ở Biển Đông có thể được coi là sự kiện thường xuyên – chuyến thăm trao đổi của đại diện hai hạm đội.
Sputnik

Trong tháng 9, tàu ​​chiến Việt Nam cũng có kế hoạch đến thăm Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng tàu chiến Nhật Bản đến các vùng đất xa xôi so với bờ biển Nhật Bản là mâu thuẫn với Hiến pháp, chỉ cho phép nước này có các lực lượng phòng vệ. Nhật Bản có thể phòng vệ điều gì ở bờ biển Việt Nam? Trong thực tế, chiến dịch của tàu ngầm Nhật Bản là một phần chính sách mà chính phủ Nhật Bản tiến hành nhằm  phát triển tiềm năng quân sự của đất nước. Tokyo dự định trong tương lai gần sẽ gia tăng số lượng tàu ngầm của mình lên đến 22 chiếc. Ngoài ra, các chuyến thăm của tàu chiến Nhật Bản đến các cảng ở Biển Đông có nghĩa là tham gia vào chiến lược đối phó với việc Trung Quốc tăng cường vị thế trong khu vực. Ngày nay, các đồng minh gần gũi nhất của Hoa Kỳ đang hành động như vậy. Và cùng với nhau, họ tạo thêm sức ép trong khu vực biển Đông.

Nhật Bản quyết “nắn gân” Trung Quốc bằng tập trận tàu ngầm ở Trường Sa

Gần đây, sự leo thang của hạm đội tàu ngầm ở Biển Đông đã đặc biệt trở nên đáng chú ý. Các tàu này được sử dụng cho mục đích trinh sát, cũng như đe dọa các nước láng giềng. Rõ ràng, hạm đội tàu ngầm lớn nhất là của Trung Quốc — gồm 48 tàu ngầm diesel và 10 tàu ngầm hạt nhân (cũng có thể nhiều hơn). Indonesia có hơn 20 tàu ngầm. Việt Nam đã mua 6 tàu ngầm diesel của Nga. Malaysia và Đài Loan có một số tàu ngầm. Philippines đang chuẩn bị mua các tàu ngầm mới. Tất cả các nước này lý giải mong muốn gia tăng đội tàu ngầm của mình là do xuất phát từ lợi ích đảm bảo an ninh quốc gia. Trong thời đại hỗn loạn mà chúng ta đang sống, điều đó là dễ hiểu.

Nhưng có một lực lượng khác quan tâm đến sự xuất hiện của các tàu ngầm mới ở Biển Đông. Đó là tổ hợp quân sự-công nghiệp của những quốc gia có truyền thống sản xuất tàu ngầm. Chẳng hạn, các công ty Đức và Hàn Quốc xây dựng tàu ngầm cho Indonesia, các công ty Pháp — cho Malaysia và Úc. Nga bán tàu ngầm của mình cho Việt Nam và Trung Quốc. Hãng Krupp của Đức hứa hẹn sẽ bắt đầu cung cấp tàu ngầm cho Singapore, kể từ năm 2020.

Do đó, tình hình căng thẳng chính trị quân sự ở Biển Đông đang trở thành một vấn đề toàn cầu thực sự. Các nước tranh chấp lãnh thổ trong khu vực càng sớm thỏa thuận được với nhau thì càng sớm có sự đồng thuận và tình láng giềng thân thiện, và cuộc chạy đua vũ trang sẽ dừng lại. Đó chính là lợi ích của tất cả nhân loại.

Thảo luận