Vụ bảo kê thu tiền xe chợ Long Biên: Điểm mấu chốt

Nếu có bảo kê thu tiền xe chợ Long Biên là hành vi cưỡng đoạt tài sản của người khác, theo baodatviet.
Sputnik

Đó là chia sẻ của  luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Văn phòng luật sư Đức Thịnh, Hà Nội) với báo Đất Việt vào ngày 26/9.

"Mọi người ai cũng nhìn thấy việc thu tiền của đội bốc xếp ở chợ Long Biên là không có căn cứ. Nếu đã không có căn cứ mà vẫn thu tiền của các tiểu thương như vậy là bất hợp pháp. Bằng chứng của vụ này là đã có đoạn video ghi hình người của đội bốc xếp thu tiền hết người này đến người khác", luật sư Tiến nói.

Theo luật sư Tiến, thông thường người dân gọi hành vi của đội bốc xếp ở chợ Long Biên là bảo kê, còn trong pháp luật đó là hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Nói về số tiền đội bốc xếp thu cao hơn so với mức giá quy định, luật sư Tiến cho rằng: "Bộ Tài chính quy định thu từ 200.000 đồng trở lên là phải cấp hóa đơn cho người nộp tiền nhưng ở vụ việc này làm gì có hóa đơn mà cấp".

Về việc này, cùng ngày, luật sư Võ Công Hạnh, Giám đốc Công ty luật Công Khánh, đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên — Huế cho biết, các tiểu thương trong chợ Long Biên phải nộp những khoản phí như tiền bãi, tiền bốc xếp, những loại tiền không được ghi trong quy định hay bất kỳ loại văn bản giấy tờ nào của chợ để không bị các đối tượng khác cản trở hoạt động làm ăn buôn bán.

"Những hành vi này là hoạt động bảo kê, lấy tài sản của họ trái với mong muốn. Từ vụ việc đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành thì rõ ràng chưa có điều khoản của các văn bản quy phạm pháp luật giải thích, quy định hành vi bảo kê là như thế nào, xử lý ra sao.

Tuy nhiên, từ sự việc này điều mà các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ là từ những lời trình bày của các tiểu thương, các tài liệu chứng cứ có liên quan thì có hay không việc các đối tượng đã được các tiểu thương trình bày đã sử dụng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản của tiểu thương.

Nếu có, những hành vi này đang xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người khác.

Đối với tài sản mà các tiểu thương cho rằng mình bị chiếm đoạt bất hợp pháp nhưng không có giấy tờ, văn bản nào xác nhận thì cần trình bày rõ với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ tài sản đó là gì, giá trị bao nhiêu bằng các biện pháp nghiệp vụ theo trình tự, thủ tục luật định.

Nếu có hành vi trái pháp luật như đã nêu trên thì những đối tượng này không những chịu trách nhiệm hình sự mà còn phải hoàn trả lại tài sản mà mình đã chiếm đoạt trái phép", luật sư Hạnh cho biết.

Trong một diễn biến mới liên quan đến vụ bảo kê ở chợ Long Biên, ngày 26/9, ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, quận đã giao cơ quan công an và các bộ phận liên quan điều tra làm rõ vụ việc và có kết quả trước ngày 30/9.

"Khi có kết quả điều tra, UBND quận Ba Đình chắc chắn phải xử lý nghiêm khắc cá nhân, tổ chức vi phạm" — Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình nhấn mạnh.

Nói về hình ảnh mà phóng viên ghi được tại chợ Long Biên, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết:

"Chúng tôi đã kiểm điểm nghiêm túc và tới đây có hình thức kỷ luật không chỉ đối với cá nhân sai phạm mà quận sẽ xử lý cả đơn vị quản lý cá nhân đó. Dù là đơn vị tự chủ nhưng có sai phạm mà không chịu khắc phục, thì mức độ xem xét sẽ nặng hơn."

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, Long Biên là chợ loại 2 thuộc đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ 100% tài chính; tự chịu trách nhiệm mọi hoạt động.

Trong thời gian tới, UBND quận sẽ sắp xếp lại bộ máy để chợ hoạt động có hiệu quả hơn, đảm bảo các tiểu thương được kinh doanh trong môi trường lành mạnh, an toàn.

Trước đó, theo thông tin đăng tải, để có thể buôn bán, các tiểu thương tại chợ Long Biên phải đóng tiền bến bãi (tiền bảo kê) là 200 nghìn/lượt, nếu là xe to thì phải đóng 350 nghìn đồng/lượt.

Cá biệt có trường hợp phải đóng tiền bến bãi 100 triệu đồng/năm. Nếu không đóng tiền, các hộ kinh doanh ở chợ sẽ không có chỗ để đỗ xe, chuyển hàng…

Một tiểu thương tên N từng bị ông Hưng không cho làm ăn vì chống lệnh không đóng tiền bảo kê cho biết, ông Hưng là người rất mưu mô. Khi nộp tiền, các tiểu thương sẽ phải đến nhà riêng của ông để nộp và không có bất cứ giấy gì chứng nhận.

"Một con người tồn tại từ thời Khánh "Trắng" đến giờ thì đủ biết mưu mô thế nào. Không bao giờ ông ấy xác nhận bọn tôi đóng tiền. Khi đóng tiền chỉ có trên tầng 2 nhà riêng của ông ấy", tiểu thương nói.

Bà N. khẳng định mình có trong tay nhiều bằng chứng về sự lộng hành của ông Hưng và đàn em.

Hiện sự việc đang tiếp tục được xác minh, làm rõ.

Thảo luận