Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, bắt đầu được lấy ý kiến từ ngày 28/9. Văn bản này sau khi được hoàn thiện, nếu được thông qua sẽ thay thế Nghị định số 138 năm 2013.
Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục bị phạt 10-20 triệu; xâm phạm thân thể bị phạt 20-30 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm phải xin lỗi công khai.
Tương tự, hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt 10-20 triệu; xâm phạm thân thể người học 20-30 triệu đồng. Đi kèm mức phạt này, người vi phạm phải xin lỗi công khai, nếu là giáo viên có thể bị đình chỉ dạy 1-6 tháng.
Điều 8 về vi phạm quy định về tổ chức dạy thêm, các tổ chức bị phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất.
Đối với hành vi thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm bị phạt từ 2 triệu đến 4 triệu đồng. Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.
"Bản thân tôi thấy không có chính sách giúp cho giáo viên có cuộc sống thoải mái hơn mà cứ nghĩ ra luật để làm khổ giáo viên. Trong nghị định này không thấy nhà giáo chúng tôi được bảo vệ! Vậy làm thầy chi nữa!
Vai trò và phẩm giá người thầy ở đâu? Tôn sư trọng đạo ở đâu? Tôi thấy học sinh bây giờ giống như là con ông trời, đụng vô là giáo viên chết trước! Vậy chắc chúng tôi phải làm người câm để không la học trò khi các em quậy phá! Và là người điếc để không nghe học trò xúc phạm mình!".
Một người khác đặt ra câu hỏi: "Học sinh cúp tiết, vắng học, ngủ trong lớp, không học bài và làm bài tập ở nhà bị phạt như thế nào, phạt bao nhiêu tiền? Đạo đức con người mà dùng tiền phạt là tôi thấy không hợp lý, đạo đức mà làm như hàng hóa trao đổi bằng tiền".
Tuy nhiên cũng có khá nhiều ý kiến ủng hộ Nghị định này, cho rằng nên có từ lâu rồi mới phải, và tất cả đều phải đưa vào luật để quy định thì mới có thể giúp cho nề nếp giáo dục đi vào khuôn phép.
Thế nhưng ngày nay, quan điểm đó không còn phù hợp nữa, trẻ em được xác định là đối tượng cần bảo vệ, vì vậy bất cứ hành vi nào xúc phạm thân thể hay làm tổn hại tâm lý của các em, đều bị coi là vi phạm Luật Bảo vệ trẻ em.
Người thầy trong thời điểm hiện nay, có lẽ buộc phải chấp nhận thay đổi quan điểm giáo dục của mình, không thể coi việc đánh mắng, quở trách là động lực để khiến học trò tiến bộ. Họ buộc phải tìm những cách khác, đối thoại nhiều hơn với các em thay vì đứng ở vai trò "bề trên".
Phạt tiền với các hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức trong môi trường giáo dục, nên hay không nên, việc này cần phải được lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia giáo dục, các bậc cha mẹ phụ huynh… trước khi ban hành Nghị định. Làm sao để tìm ra được cách phù hợp nhất để bảo vệ môi trường giáo dục mới là điều quan trọng.