Biển Đông

Ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông: Chuyện không còn dễ với TQ!

Hàng loạt cường quốc quân sự đã điều động tàu chiến cùng máy bay tới Biển Đông để tập trận và tuần tra. Đây được xem là thách thức lớn đối với những tuyên bố chủ quyền ngang nhiên của Trung Quốc ở Biển Đông lâu nay, soha cho biết.
Sputnik

Trong động thái mới nhất, hôm 30/9, tàu khu trục tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ USS Decatur đã xuất hiện gần một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trong khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và tiến hành tuần tra trong vòng 10 tiếng đồng hồ.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), hiện Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ phản ứng nào sau khi tàu khu trục USS Decatur của Mỹ xuất hiện gần quần đảo Trường Sa. Theo giới phân tích, khả năng đây là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ — Trung liên quan tới việc tăng thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu của hai nước đang chiếm sự chú ý lớn từ phía quan chức Bắc Kinh so với vấn đề an ninh.

Trước đó, Bắc Kinh từng cho hủy cuộc đối thoại quân sự dự kiến diễn ra vào tháng 10 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sau khi tàu chiến Mỹ xuất hiện ở Biển Đông.

Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Hồi tuần trước, tàu khu trục HMS Argyll của Anh đã tham gia cuộc tập trận hải quân với tàu chiến Kaga và tàu khu trục Inazuma của Nhật Bản trên Ấn Độ Dương trước khi tiến vào Biển Đông. Ngay lập tức, Trung Quốc điều động một tàu chiến cùng các trực thăng tới xua đuổi tàu chiến Anh.

Vào ngày 17/9, một tàu ngầm của Nhật Bản cũng đã thực hiện chuyến thăm cảng 5 ngày tới Việt Nam nhằm thắt chặt quan hệ giữa hai nước.

Lâu nay, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp và vô căn cứ trên phần lớn diện tích Biển Đông. Thậm chí, Bắc Kinh còn nhiều lần kêu gọi các nước không có chủ quyền trên Biển Đông tránh những hành động can thiệp.

Còn trong tháng Tám, Trung Quốc đã đồng thuận với bản nháp Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Đây được xem là nền tảng cho các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN. Bắc Kinh cũng khẳng định, thỏa thuận giữa hai bên cho thấy các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hoàn toàn có thể được giải quyết.

Để hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng trái phép hàng loạt đảo nhân tạo và điều động tàu chiến cũng như máy bay tới khu vực.

Thậm chí, trong bản tin được CCTV đăng tải hôm 28/9, Trung Quốc đã điều động 12 chiến đấu cơ bao gồm các oanh tạc cơ và ít nhất 2 tiêm kích J-11B cho phóng tên lửa vào một mục tiêu nằm trên Biển Đông để diễn tập. Tuy nhiên, CCTV không nói rõ cuộc tập trận này diễn ra vào thời gian nào và địa điểm ở đâu.

Theo chuyên gia an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, ông Collin Koh, dường như các nước ASEAN đang cố dung hòa mối quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ. Bởi một mặt các thành viên ASEAN muốn tăng cường mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, nhưng cũng muốn Washington đẩy mạnh các cam kết hỗ trợ an ninh.

Ông Adam Ni, nhà nghiên cứu chính sách an ninh và đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia nhận định, việc Bắc Kinh và Washington ngày càng đối đầu gay gắt ở châu Á buộc các nước ASEAN phải đưa ra quyết định ủng hộ bên nào.

"Đối với các nước ASEAN, việc Mỹ tăng cường sự hiện diện ở châu Á nhằm cân bằng tham vọng bành trướng của Trung Quốc là động thái đáng mừng để bảo vệ sự ổn định và lợi ích của các nước. Tuy nhiên, đây có thể lại là hiểm họa đẩy sự cạnh tranh chiến lược đi xa hơn và tác động xấu tới nền an ninh cũng như ổn định của khu vực", SCMP dẫn lời ông Ni.

Còn theo ông Wu Shicun, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông tại Trung Quốc, "Mỹ đang chịu nhiều áp lực, do đó Washington đã kêu gọi các đồng minh Nhật Bản, Anh và cả Australia tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Mỹ sẽ không rời khỏi Biển Đông mà đóng vai trò ngày càng lớn trong khu vực".

Thảo luận