Người dân cả nước tiếc thương nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Ngày 6/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười theo nghi thức Quốc tang, theo Báo Tin tức.
Sputnik

Từ sáng sớm, hàng trăm đoàn đại biểu các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các tầng lớp nhân dân đã xếp hàng chờ vào viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Đồng chí ra đi là tổn thất tổn lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Người lãnh đạo cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng

Tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu xúc động ghi sổ tang: "Đồng chí Đỗ Mười, người chiến sỹ cách mạng kiên trung, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà lãnh đạo xuất sắc, uy tín của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, ở vị trí nào đồng chí cũng để lại những dấu ấn sâu sắc. Đồng chí Đỗ Mười, một tác phong lãnh đạo quyết liệt, mạnh mẽ, mẫn cán, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đồng chí có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng chí mất đi là tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta".

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến viếng và ghi sổ tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Chia buồn sâu sắc tới gia quyến nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh viết trong sổ tang:

"Tiếc thương vĩnh biệt Đồng chí Đỗ Mười, người học trò của Bác Hồ kính yêu, một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt tiêu biểu của Đảng, Nhà nước ta. Là cán bộ lão thành cách mạng, Đồng chí luôn giữ vững khí tiết, phẩm chất người chiến sĩ cộng sản, hết lòng vì nước, vì dân, có uy tín với bạn bè quốc tế. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc".

Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, khẳng định Đảng bộ, Chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mãi mãi ghi nhớ, trân trọng và biết ơn những công lao to lớn của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển thủ đô, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải xúc động ghi sổ tang:

"Trong suốt quá trình hết mình phục vụ Đảng và đất nước, dù trên cương vị nào, đồng chí cũng luôn để lại nhiều dấu ấn; đặc biệt, đồng chí là người đã chèo lái con thuyền cải cách, lãnh đạo đưa nền kinh tế đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn, kiềm chế, đẩy lùi lạm phát xóa bỏ bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường thành công theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và bình thường hóa quan hệ với các nước trên Thế giới".

Vị Tổng Bí thư đề cao vai trò của nhân dân

Có mặt tại Lễ viếng từ sáng sớm, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không giấu được sự tiếc thương trước sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Nghi thức Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười diễn ra thế nào?

Chia sẻ về những kỷ niệm với nguyên Tổng Bí thư, ông Nguyễn Túc nhớ lại, ấn tượng của ông về đồng chí Đỗ Mười là những cái vỗ vai thân mật trong lần gặp gỡ nhân dịp tới chúc mừng ngày sinh của đồng chí Hoàng Quốc Việt.

"Anh Mười vào Đảng năm 1939 thì bấy giờ đồng chí Hoàng Quốc Việt là Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ. Anh Mười là người đồng chí Hoàng Quốc Việt rất quan tâm", ông Túc cho biết.

Trong cảm nhận của ông Nguyễn Túc, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người rất bộc trực, chân thành, giản dị, gần dân. Năm 1988 diễn ra Đại hội lần thứ ba của Mặt trận Tổ quốc. Bấy giờ đồng chí Đỗ Mười là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đồng chí đã chủ động mời đảng đoàn Mặt trận tới để bàn về giải pháp để triển khai tốt hơn nữa Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân trong việc phối hợp cùng Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng đất nước. Đồng chí Đỗ Mười đề cao tinh thần nói thẳng, nói đúng sự thật, đồng thời cho rằng Đại hội lần thứ ba của Mặt trận Tổ quốc phải thể hiện rõ tinh thần đó, tránh sợ bị phê phán. Đồng chí đề nghị Mặt trận Tổ quốc nỗ lực khơi dậy, phát huy sức sáng tạo của những người đại biểu nhân dân dự Đại hội; từ đó góp sức giúp cho Chính phủ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Đoàn BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Đánh giá về những dấu ấn, đóng góp của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Nguyễn Túc cho rằng, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là con người hành động, nói đi đôi với làm; đồng thời cũng là con người của nhân dân, những gì bức xúc trong nhân dân ông đều "vén tay áo" đi giải quyết tại chỗ, bất kể khi đang đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư hay Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Là người chuyên tâm vì công việc, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thường xuyên gọi điện cho các đồng chí lãnh đạo địa phương cũng như lãnh đạo Mặt trận để bàn công việc vào lúc hai, ba giờ sáng.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Người tạo bước ngoặt cho ngoại giao Việt Nam

Không chỉ giản dị, chất phác, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong ký ức của ông Nguyễn Túc còn là người rất tình nghĩa. "Hầu như ngày 28/5 hàng năm đồng chí Đỗ Mười đều tới thăm cụ Hoàng Quốc Việt, mặc dù bận. Khi đi vắng thì ông giao cho thư ký đến". Với cấp dưới, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn bao dung, tạo cảm giác gần gũi.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với những quyết sách chiến lược

Chia sẻ trong niềm tiếc thương đối với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đánh giá, đồng chí Đỗ Mười đã ghi đậm dấu ấn của mình trong việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng cũng như những quyết sách có ý nghĩa chiến lược.

Ngay trong nhiệm kỳ Đại hội VI của Đảng, với tư cách Thường trực Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sau đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Đỗ Mười đã sát cánh cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có những đóng góp rất quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, nhất là về mặt kinh tế, đặc biệt trong việc ngăn chặn, đẩy lùi cuộc khủng khoảng về kinh tế xã hội bùng phát dữ dội lúc bấy giờ.

Nhà báo Hà Đăng nhấn mạnh, việc bố trí lại sản xuất và cơ cấu đầu tư, thực hiện 3 chương trình lớn và chuyển đổi mô hình quản lý kinh tế từ tập trung, quan liêu bao cấp sang lấy kế hoạch làm trung tâm, thực hiện kinh doanh chủ nghĩa xã hội là sự chuyển đổi cơ chế rất lớn của đất nước có công lao của đồng chí Đỗ Mười.

Năm 1994, lần đầu tiên Đảng ta đề ra Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII. Nhà báo Hà Đăng cho rằng, đây là một sáng kiến lớn của Đảng ta về mặt sinh hoạt Đảng. Bên cạnh khẳng định những thành tựu quan trọng bước đầu, Hội nghị đã cảnh báo 4 nguy cơ mà Đảng cần nhận thức đúng đắn: Tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và tệ quan liêu; diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.

Hơn 20 năm sau, Đại hội XII của Đảng vẫn nhận định 4 nguy cơ mà Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII nêu lên đến nay vẫn còn tồn tại, dù nội hàm của những nguy cơ đó đã có những biến đổi nhất định. "Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII cũng đã quyết định bầu bổ sung 20 đồng chí vào Trung ương, thêm nguồn nhân sự quý báu cho nhiệm vụ xây dựng Đảng, trong số đó có nhiều đồng chí sau này đã giữ chức vụ rất cao trong Đảng như đồng chí Phan Diễn, đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Có thể nói, vai trò của đồng chí Đỗ Mười đối với Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII rất lớn. Trong những thành tựu đổi mới mà chúng ta đã đạt được, có thể nói đều có dấu ấn của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười" — nhà báo Hà Đăng khẳng định.

Bên cạnh việc ghi dấu ấn trong công tác lãnh đạo, nhà báo Hà Đăng cho rằng, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nêu một tấm gương lớn về sự trung thành tuyệt đối với Đảng, với chế độ về sự trung thực, liêm khiết và hành động gần dân, sát dân, chăm lo cho đời sống của nhân dân. Đồng chí không chỉ gần gũi trong công việc mà còn rất gần gũi trong cuộc sống.

Tấm gương lớn về ý chí, nghị lực tinh thần

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười: 'Dân có oan mới khiếu nại lên Chính phủ'

Đối với tập thể y, bác sỹ Khoa Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương (A11), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đặc biệt là từ những người có thời gian gắn bó chăm sóc, tận tình chữa trị cho nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông không chỉ là một nhà lãnh đạo có ý chí, nghị lực tinh thần mà còn là một người ông, một người bác gần gũi, giản dị, dễ tiếp xúc, luôn tạo ra bầu không khí vui vẻ khi trò chuyện, không hề có khoảng cách với những người xung quanh. 

Các y, bác sỹ bùi ngùi nhớ lại những ngày qua, khi nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vào cấp cứu trong Bệnh viện. Vào những lúc tỉnh táo, biết rằng "sinh, lão, bệnh, tử" nhưng nguyên Tổng Bí thư vẫn giữ thái độ bình thản, vẫn cười nói, trò chuyện cùng các y, bác sỹ.

Trong cảm nhận của tập thể y, bác sỹ Khoa A11, nghị lực, sức chịu đựng tinh thần của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là rất lớn. Họ đã chứng kiến điều đó nhiều năm qua, khi nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vào bệnh viện điều trị. Dù tuổi đã cao, bệnh trọng, chưa bao giờ ông tỏ ra đau đớn mà luôn chấp hành y lệnh của y, bác sỹ. Ý thức tuân thủ các biện pháp điều trị của ông cũng rất tốt. Đặc biệt, việc ông duy trì thói quen hằng ngày đọc báo, nghe đài, đọc sách, lật từng trang và đánh dấu những đoạn tâm đắc đã để lại sự khâm phục, kính trọng cho những người đang chăm sóc, chữa bệnh cho ông.

Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng đoàn, viếng đồng chí Đỗ Mười.

Bùi ngùi nhắc lại những tình cảm mà nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười dành cho tập thể y, bác sỹ Khoa A11, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phương Đông, Chủ nhiệm Khoa A11 cho hay, anh nhớ kỷ niệm ấm áp nhất là bữa cơm chiều 30 Tết hằng năm tại ngôi nhà riêng của nguyên Tổng Bí thư trên phố Phạm Đình Hổ.

"Cứ đến ngày 30 Tết là bác lại mời y, bác sỹ trong khoa đến trò chuyện và ở lại, ăn bữa cơm tất niên với bác. Dù khá đông người nhưng chúng tôi lại được bác gọi đến ngồi ngay bên cạnh. Trong bữa cơm theo truyền thống dân tộc, không khí rất dễ chịu, anh chị em rất vui, không có gì ngại ngùng. Giờ đây, là cảm giác mất mát, nghẹn ngào không nói được thành lời", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phương Đông chia sẻ.

Để tỏ lòng tri ân đối với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười — vị lãnh đạo đáng kính của dân tộc, rất nhiều bạn trẻ Thủ đô đã tình nguyện tham gia phục vụ Tang lễ. Phó Bí thư Quận đoàn Hai Bà Trưng, Phạm Phương Phương cho biết, trong hai ngày diễn ra Lễ tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, có khoảng 50 bạn đoàn viên, thanh niên khối địa bàn dân cư trên địa bàn quận tham gia phục vụ Lễ tang. Các đoàn viên, thanh niên sẽ túc trực tại một số điểm xung quanh Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) để phát nước miễn phí đồng thời hỗ trợ người dân tham gia Lễ viếng. Nhiều bạn đã có mặt rất sớm (từ 5 giờ 30 phút) để thực hiện nhiệm vụ.

Theo Phó Bí thư Quận đoàn Hai Bà Trưng, việc các đoàn viên, thanh niên tham gia phục vụ Lễ Quốc tang là một cách để lớp trẻ tri ân nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, thể hiện tình cảm trách nhiệm của tuổi trẻ Thủ đô, giáo dục thanh niên về trách nhiệm với cộng đồng xã hội.

Cán bộ, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếc thương nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Quốc tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong hai ngày 6 và 7/10

Ngay từ sáng sớm, nhiều đoàn đại biểu các bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương khu vực phía Nam, các tầng lớp nhân dân đã xếp hàng chờ vào viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh, thay mặt đoàn đại biểu Tây Ninh ghi sổ tang viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: "Hơn một trăm tuổi đời, tám mươi năm tuổi Đảng, Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí mất đi để lại cho Đảng, Nhân dân Việt Nam niềm tiếc thương vô hạn. Hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Đồng chí".

Lãnh đạo Công an Thành phố Hồ Chí Minh dành một phút mặc niệm tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Mnh.

Khoác trên người bộ trang phục cựu Thanh niên xung phong đã bạc màu tới Lễ viếng, bà Nguyễn Thị Kim Hồng, 68 tuổi (xã Long Vĩnh, Châu Thành, Tây Ninh) chia sẻ:

"Chúng tôi vô cùng thương tiếc khi nghe tin đồng chí Đỗ Mười mất, anh em chúng tôi đã đi từ 5 giờ sáng để xuống đây dự Lễ viếng đồng chí Đỗ Mười. Trong thời tham gia Thanh niên xung phong, chúng tôi đã được nghe về đồng chí Đỗ Mười là một người trung thực, trung kiên luôn vì nước, vì dân, luôn vì nhân dân phục vụ, cho lợi ích của nhân dân. Sự ra đi của đồng chí là mất mát lớn của Đảng, của nhân dân ta".

Có mặt tại Lễ viếng, Trưởng đoàn Ban lãnh đạo các Hội Thánh và tổ chức Cao Đài, Chánh phối sư Thượng Phong Thanh Huỳnh Thanh Phong nghiêm cẩn ghi vào sổ tang: "Đoàn lãnh đạo các Hội thánh và tổ chức Cao đài vô cùng thương tiếc Ngài Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngài đã cống hiến tròn đời cho Đảng và nhân dân Việt Nam. Toàn đạo Cao Đài xin tri ân công đức của Ngài. Toàn Đạo Cao Đài xin chia buồn cùng toàn Đảng, nhân dân Việt Nam và gia đình Ngài".

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói về đồng chí Đỗ Mười

Trong dòng người vào viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười có Thượng tá Thái Ngọc Đường, Phó Chủ nhiệm Chính trị trường Quân sự Quân khu 7. Chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình trước sự ra đi của một người lãnh đạo tài năng, ông Đường khẳng định:

"Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là một tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần và trí tuệ đối với lớp trẻ chúng tôi. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác phát triển kinh tế, xã hội theo đường lối đổi mới, tạo tiền đề cho sự phát triển đất nước như hiện nay. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo tạo dựng sự đoàn kết nội bộ Đảng, tạo nên sức mạnh cho Đảng ta và làm cơ sở cho Đảng ta tiếp tục xây dựng và phát triển Đảng vững mạnh sau này".

Thay mặt thế hệ trẻ Thành phố, Bí thư Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Hồng Sơn cũng đã thành kính ghi sổ tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười "… Đây là nỗi đau quá lớn của đất nước, của Đảng và thế hệ trẻ chúng cháu. Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ luôn giữ mãi trong tim tình cảm của Bác — nhà lãnh đạo tài ba và cuộc đời trong sáng, giản dị".

Thảo luận