Tuy nhiên, theo nguồn tin của South China Morning Post, thái độ của Bắc Kinh đối với CPTPP đang thay đổi. Trong những tháng vừa qua, các quan chức Trung Quốc nghiên cứu khả năng và tìm kiếm sự tư vấn để tham gia hiệp định.
Giới quan sát nhận định việc tham gia CPTPP có thể giúp Trung Quốc đối phó với chính sách bảo hộ "Nước Mỹ trước tiên". Hiệp định với 11 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Canada, Mexico và Australia, sẽ giúp Trung Quốc mở rộng quan hệ thương mại và giải phóng tiềm năng tăng trưởng trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ.
"Mối lo lớn nhất là khả năng Mỹ và đồng minh cùng thiết lập hàng rào thương mại để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận thị trường", Wang Huiyao, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, Bắc Kinh, nhận định.
"Tham gia CPTPP là công cụ đối phó Mỹ và giúp Trung Quốc thiết lập mạng lưới thương mại mới bên cạnh sáng kiến Vành Đai, Con Đường và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Chúng ta không thể đứng ngoài những mạng lưới thương mại khác", ông Wang nói.
Năm 2015, Trung Quốc tỏ ra hoài nghi đối với TPP khi hiệp định mới được soạn thảo. Dưới thời của Tổng thống Barack Obama, Mỹ nỗ lực đàm phán hiệp định bởi nó được cho sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của các quốc gia thành viên vào thương mại với Trung Quốc, đưa họ tới gần hơn với Mỹ.
Bắc Kinh không hài lòng khi bị "cho ra rìa", nói rằng mọi thỏa thuận thương mại cần minh bạch và bao trùm.
Các cuộc đàm phán CPTPP kết thúc hôm 23/1 tại Tokyo, Nhật, và được ký kết vào ngày 8/3 tại Santiago, Chile. Hiệp định sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi 6 trong 11 nước thành viên phê chuẩn.
Thông tin Bắc Kinh bày tỏ mong muốn gia nhập CPTPP xuất hiện trong lúc Trung Quốc và Nhật Bản tìm cách loại bỏ một số rào cản thương mại. Trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng này của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, hợp tác kinh tế được cho là trọng điểm trong chương trình nghị sự. Dẫu vậy, chưa rõ liệu ông Abe sẽ đề cập đến ý tưởng Trung Quốc tham gia CPTPP hay không.
Theo Tu Xinquan, giáo sư tại Đại học Thương mại và Kinh tế Quốc tế, với việc Washington không tham gia hiệp định, Bắc Kinh có cơ hội tốt để đàm phán thỏa thuận về đầu tư và bảo hộ tài sản trí tuệ.
Tuy nhiên, Chen Long, nhà kinh tế học thuộc Gavekal Dragonomics, đánh giá sẽ không dễ để Trung Quốc gia nhập CPTPP.
"Khả năng đàm phán chính thức về sự gia nhập của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng do ảnh hưởng của Mỹ tới các thành viên CPTPP. Trung Quốc có thể phải đối mặt với các cuộc đàm phán khó khăn về điều chỉnh các chính sách công nghiệp và sở hữu trí tuệ nhằm tương thích với hiệp định", ông nhận định.