Hư hỏng mặt đường cao tốc là chuyện rất nghiêm trọng!

PGS-TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng), cho rằng để xảy ra hư hỏng ở đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện, nld cho biết.
Sputnik

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tình trạng hư hỏng trên đường cao tốc Đà Nẵng — Quảng Ngãi?

- PGS-TS Trần Chủng: Đường cao tốc là công trình giao thông có yêu cầu đặc biệt về an toàn, bởi các phương tiện giao thông được lưu hành với tốc độ cực cao (120 km/giờ). Bất kỳ một sự không êm thuận của mặt đường đều có thể gây ra những tai nạn thảm khốc. Bộ Giao thông Vận tải, với trách nhiệm quản lý nhà nước về giao thông cần có những chỉ đạo kịp thời, không chỉ tìm ra giải pháp khắc phục mà cần nghiêm khắc rút ra bài học cho mọi dự án đường cao tốc đang và sẽ triển khai.

Nếu chỉ hư mặt đường thì có nghiêm trọng lắm không?

— Không phải chuyện đùa! Lớp bề mặt rất quan trọng. Ngoài việc bảo đảm độ êm thuận thì lớp bề mặt còn bảo đảm độ bám dính. Chạy 120 km/giờ mà độ bám dính thấp là rất nguy hiểm. Lồi lõm như đường cao tốc này thì còn gì mà bám dính nữa! Ai cho phép chạy với tốc độ trên thì người đó phải chịu trách nhiệm khi có tai nạn.

Theo ông, đâu là nguyên nhân của những hư hỏng đó?

— Công trình đường bộ thường đi qua nhiều vùng địa chất khác nhau và được thi công kéo dài nhiều năm. Các khâu xử lý nền đất yếu, khâu làm nền đường, các lớp móng và các lớp áo đường đều phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật rất nghiêm ngặt. Từng lớp của kết cấu đường có sai sót sẽ dẫn đến hậu quả là đường bị lún, đứt gãy. Vì vậy, truy tìm nguyên nhân của các hư hỏng trong các công trình đường bộ như thế này có khó khăn. Tuy nhiên, nhìn những bong tróc mặt đường cao tốc Đà Nẵng — Quảng Ngãi, tôi nghiêng về việc thi công cẩu thả.

Nếu là ông đi kiểm tra thì ông sẽ kiểm tra những gì để tìm nguyên nhân hư hỏng?

— Tôi sẽ điều tra sự cố theo nguyên tắc loại trừ dần. Trước tiên, căn cứ vào thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật cần kiểm tra cấp phối vật liệu của bê-tông nhựa. Tiếp theo, cần kiểm tra quy trình thi công. Đặc biệt, bê-tông nhựa đổ khi gặp mưa thì đây là thảm họa và dứt khoát phải loại bỏ hoàn toàn khối lượng bê-tông nhựa này. Có chế độ quan trắc dài hạn về độ lún của mặt đường để tìm các nguyên nhân của các lớp dưới đó. Một vấn đề cần quan tâm trong thi công đường bộ là vấn đề thoát nước mặt. Độ không bằng phẳng gây tụ nước thì đường cũng bị phá hoại rất nhanh.

Tại gói thầu A5, nhà thầu chính là Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd thuê thầu phụ thi công 100% công việc khi chưa có sự đồng ý của chủ đầu tư. Việc này đúng hay sai, thưa ông?

— Cái đó là quá sai rồi! Không ai cho phép làm như thế đâu. Tuy nhiên, vì đường cao tốc này sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài nên trong việc này, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cần phải xem lại các điều khoản mà chúng ta đã ký với đối tác khi vay vốn, có điều khoản nào cho phép việc này không. Cá nhân tôi nghĩ không có quy định nào cho phép như thế trong các cam kết. Nếu có thì ông nào ký cam kết, ông đó có lỗi.

Ai là người chịu trách nhiệm về các sự cố này?

— Theo Luật Xây dựng, chủ thể nào cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình làm ra và phải đền bù thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Vì vậy, bất kỳ một sự cố hay hư hỏng công trình xảy ra, chúng ta cần tìm lỗi kỹ thuật của các hư hỏng đó đến từ đâu. Lỗi do nhà thầu làm sai thiết kế, không tuân thủ quy trình kỹ thuật thi công thì đương nhiên nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm chính và nhà thầu giám sát chịu trách nhiệm gián tiếp. Nếu lỗi kỹ thuật do thiết kế sai thì nhà thầu thiết kế phải chịu trách nhiệm đền bù. Nhưng luật cũng quy định chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng công trình.

Thảo luận