Biển Đông

Trung Quốc “củng cố lòng tin” với láng giềng

Trong cuộc đụng độ với Mỹ về cả thương mại lẫn quân sự, Trung Quốc đang tìm cách xây dựng lòng tin với các quốc gia láng giềng, theo phân tích của các nhà quan sát, tienphong đưa tin.
Sputnik

Một cuộc tập trận hải quân sẽ diễn ra trong tuần này với sự tham gia của Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan, trên eo biển Malacca trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis bắt đầu đi thăm Việt Nam và Singapore.

Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ cử ba tàu gồm khu trục hạm và khinh hạm, hai máy bay trực thăng, ba vận tải cơ Il-76 và gần 700 quân nhân tham gia cuộc tập trận kéo dài 9 ngày với tên gọi Hòa bình và Hữu nghị 2018, SCMP đưa tin. Các cuộc diễn tập trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra vào thứ Bảy tới ngoài khơi cảng Dickson và cảng Klang ở Malaysia.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói cuộc tập trận nhằm chứng minh nguyện vọng chung của ba quân đội nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực biển Đông, củng cố các trao đổi, hợp tác mang tính thực tiễn, nâng cao khả năng cùng phản ứng với nhiều nguy cơ khác nhau về an ninh. "Cuộc tập trận này không nhằm vào nước nào", Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói.

Cuộc tập trận dự kiến diễn ra trong lúc đang có những căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ngay tại biển Đông và đã có những tình huống đối đầu đầy căng thẳng. Tháng trước, một tàu khu trục Mỹ bị một tàu chiến Trung Quốc chặn đầu nguy hiểm tại địa điểm gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đây là lần thứ hai Trung Quốc tham gia tập trận tại eo biển Malacca, nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và là một trong những hải lộ thương mại quan trọng nhất thế giới.

Trong chuyến thăm một số nước Đông Nam Á nhân dịp tới dự hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ gặp gỡ các lãnh đạo chủ chốt nhằm tái khẳng định quan hệ quốc phòng và thực hiện các cuộc gặp song phương, cuộc gặp đa phương, theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Trung Quốc đang muốn xây dựng lòng tin trong lúc có các tuyên bố chủ quyền bị xem là quá đáng, chồng lấn lên các tuyên bố chủ quyền của nhiều quốc gia trong khu vực.

Các nhà quan sát ngoại giao và quân sự nói cuộc tập trận ba bên là một cách thể hiện các quốc gia ASEAN và Trung Quốc có thể làm việc, hợp tác với nhau về các vấn đề quốc phòng và an ninh, đặc biệt ở những lĩnh vực ít nhạy cảm hơn.

"Đối với Malaysia và Thái Lan, đó là cách để thể hiện việc xây dựng lòng tin với Trung Quốc và cũng nhằm bắn tín hiệu cho thấy họ không chọn đứng về phe nào trong cuộc đụng độ của các nước lớn trên biển Đông. Mục đích của họ là muốn chứng tỏ họ sẵn sàng thực thi những việc có lợi cho hòa bình với những ai sẵn sàng làm việc đó", Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), phân tích.

"Và Trung Quốc rất có thể muốn thể hiện rằng cùng với các quốc gia ASEAN họ có thể đảm bảo hòa bình và ổn định, và họ có thể dùng bằng chứng này để phản đối các can thiệp từ bên ngoài vào khu vực biển Đông".

Và cũng trong tuần này, bộ trưởng quốc phòng của 10 quốc gia ASEAN, sẽ nhóm họp tại Singapore từ thứ Năm tới thứ Bảy để bàn về các vấn đề an ninh thế giới và khu vực. Đại diện Trung Quốc, Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng sẽ tham gia.

Mọi con mắt đang đổ dồn về phía Mỹ và Trung Quốc sau khi Washington liên tiếp chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa biển Đôngg, đặc biệt sau khi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence lên án Trung Quốc thực hiện hành vi gây hấn trên biển Đông.

Thảo luận