Báo động: Rùa đang dần biến mất

Trong số 356 loài rùa, 217 loài đã biến mất hoặc đang mấp mé bờ vực tuyệt chủng. Hoạt động của con người, sự biến đổi của khí hậu thực tế không chừa lại cơ may cho những loài bò sát từng sống sót qua nhiều thảm họa thiên nhiên trong quá khứ xa xôi.
Sputnik

Sputnik sẽ kể về chuyện sự biến mất của những con rùa thường ngày ít khi nhìn thấy sẽ ảnh hưởng đến trạng thái sinh quyển như thế nào.

Kích hoạt chế độ bảo vệ  

Đã hai năm nay có những chiếc ô tô nhỏ xinh điều khiển vô tuyến chạy trên lốp mềm được bố trí ở cực tây hoang mạc Mojave (còn gọi là High Desert — hoang mạc trên cao) của nước Mỹ. Ô tô đồ chơi di chuyển chậm để không làm kinh động đến những con rùa sa mạc (Gopherus agassizii). Camera video gắn chặt trên nóc xe ghi lại diễn biến cuộc sống của loài bò sát, còn tiếng ồn từ những bánh xe xua đuổi đám quạ, kẻ thù tự nhiên cơ bản của rùa ở nơi hoang sơ này.

Cách thức lạ thường như vậy để giúp rùa là sáng kiến của chuyên gia sinh vật học Tim Shields, người vào năm 2014 đã cùng một số đồng nghiệp từ mấy trường đại học Mỹ thành lập công ty Labshell Labs. Nhiệm vụ chính của tổ chức là bảo vệ rùa vùng nếp gấp phía tây sa mạc (nó chính là loài sống ở Mojave), và trong số các giải pháp bất ngờ cùng với chiếc xe điện, còn có pháo laser TALI TR3 và những "căn lều" trú ẩn cho rùa được làm ra bằng máy in 3D. Đầu tiên là những tia sáng xanh bắn ra với bước sóng 532 nanomet (đặc biệt nhạy cảm với đôi mắt quạ), thứ hai là mùi tinh chất rượu nho đậm đặc bốc lên khiến quạ dữ tợn cũng phải nhanh chóng cuốn gói.

Sinh ra nơi đâu gắn bó với nơi đó

Các nhà động vật học quyết định xem xét vấn đề bảo vệ các loài bò sát từ  góc độ khác thường sau khi đã rõ là những phương pháp truyền thống không đắc dụng nữa.  Hàng rào lắp đặt dọc theo ven đường mà mục tiêu thiết kế là bảo vệ rùa khỏi tử vong dưới những cái bánh  hung thần của xe ô tô chạy nhanh, trái lại, đã dẫn đến làm số rùa sống giảm sút nhiều hơn. Thứ nhất, những con vật phải chịu cảnh quá nóng gần hàng rào và ngã bệnh, thứ hai, chúng bị ngăn cách khỏi khu vực sinh sản quen thuộc bình thường.

"Tạo ra môi trường sống tách biệt là điểm yếu cơ bản, là gót chân Achilles của hầu hết các chương trình bảo tồn rùa. Không nên quên rằng loài bò sát này rất dễ bị tổn thương và có những thói quen truyền đời bất di bất dịch. Rùa mẹ đẻ trứng ở nơi chính nó chào đời trước đây. Mà đôi khi những nơi này nằm cách vùng nước mà những con vật sinh sống đến vài kilômét, nếu ta nói về rùa nước ngọt. Những địa điểm này hoặc bị con người phá hoại, hoặc còn tệ hơn nữa là bị cô lập. Chẳng hạn, làm đường hoặc xây dựng hàng rào. Trong khi đó rùa không phải là hươu, chúng không thể nhảy qua hàng rào. Làm như vậy có thể hủy diệt toàn bộ đàn rùa. Vì thế, bảo vệ loài bò sát này chỉ bằng kiểu ngăn cách các vùng chứa nước rõ ràng là không  đủ", — PGS Sergey Ogurtsov từ Bộ môn Động vật có xương sống, Khoa Sinh học, ĐHTH Quốc gia Matxcơva (MGU) nói với phóng viên Sputnik.

 Môi trường sống của rùa hiếm khi được đặt dưới sự kiểm soát, mặc dù, như  ý kiến của các nhà nghiên cứu Mỹ, hơn 61%  loài bò sát đương đại này đang bị đe dọa tuyệt chủng hoặc đã biến mất. Rùa đóng vai trò quan trọng trong chuỗi dinh dưỡng tự nhiên, không có chúng, hệ sinh thái sẽ phát sinh  những vấn đề lớn. Chim và động vật có vú ăn trứng rùa và rùa con mới nở, trong khi côn trùng, rắn và thậm chí cả thỏ và cáo đều sử dụng nơi trú ẩn do rùa đào ra trong lòng đất. Ngoài ra, rùa còn phát tán hạt giống cho hàng chục loài thực vật mọc xanh trên đất đai.

Rùa đầm lầy châu Âu (Emys orbicularis)

Cổ xưa và ngoan cường

"Rùa là loài vật tiến hóa thành công. Thoạt kỳ thủy những con vật tổ tiên của rùa được gọi là Eunotosaurus, chưa có vỏ mai đầy đủ sống trên Trái đất khoảng 280 triệu năm trước đây, vào giữa  Kỳ Permi. Độ tuổi của những con rùa "thực sự" cổ xưa nhất với vỏ mai là 210 triệu năm. Chúng sở hữu  tấm giáp bảo vệ chắc chắn với những chiếc "gai" bổ sung — osteoderms — trên cổ, chân và đuôi. Không giống như rùa hiện đại, cổ của những con bò sát thời đó  không cử động được mà cái đầu cũng không rụt được vào bên trong mai", — chuyên gia Igor Danilov từ Phòng thí nghiệm nghiên cứu về bò sát lưỡng cư thuộc Viện Sinh vật học (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) nói với nhà báo Sputnik.

Bất ngờ phát hiện thêm cụ rùa Hoàn Kiếm ở ngoại thành Hà Nội?

Những con bò sát thông minh nhất

"Trong số những con vật thuộc loài bò sát rùa có lẽ là thông minh và dễ huấn luyện nhất. Thí nghiệm xác nhận rằng rùa có khả năng học hỏi kinh nghiệm của con khác. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã dạy cho rùa bơi đến một trong hai bờ kè theo màu sắc nhất định: con nào làm đúng thì được nhận phần thưởng thức ăn. Những con khác theo dõi quá trình học tập đó qua tấm màn ngăn trong suốt. Kết quả là, những con rùa "quan sát viên" sau đó học nhanh hơn là những con bắt đầu từ số 0. Mà đây chính là điểm không đặc trưng đối với loài bò sát. Thông thường, bắt chước là thuộc tính của những con vật sống theo đàn như chim chóc hoặc linh trưởng", — nhà động vật học nói rõ.

Tiếp thu kinh nghiệm ngoại lai là việc không chỉ rùa nước mà cả rùa trên cạn cũng làm được. Trong cuộc thử nghiệm của các chuyên gia từ ĐHTH Vienna (Áo), những con rùa chỉ đơn giản quan sát đồng loại của chúng bò đến chỗ có thức ăn khi nằm sau bức tường đã cố gắng lặp lại quãng đường trong hơn một nửa trường hợp (29 con thành công trong số 48). Để so sánh: rùa từ nhóm đối chứng không được quan sát đã chẳng thể nào tìm thấy thức ăn.

Sơ đồ thực nghiệm của các chuyên gia từ ĐHTH Vienna. : Ở phần bên trái của biểu đồ, con rùa theo dõi sự di chuyển của đồng loại được người dạy tìm thức ăn. Những con bò sát cần phải vòng quanh chướng ngại vật ở bên phải. Trong phần bên phải của chương trình, rùa “quan sát viên” lặp lại tuyến đường của đồng loại “có học” và nhận lấy thức ăn một cách dễ dàng.

Sơ đồ đề án thí nghiệm của các chuyên gia nghiên cứu từ ĐHTH Vienna như sau:  Ở phần bên trái của biểu đồ, con rùa theo dõi sự di chuyển của đồng loại được người dạy tìm thức ăn. Những con bò sát cần phải vòng  quanh chướng ngại vật ở bên phải. Trong phần bên phải của chương trình, rùa "quan sát viên" lặp lại tuyến đường của đồng loại "có học" và nhận lấy thức ăn một cách dễ dàng.

Chúng ta đang can thiệp vào việc sinh sản  

Rùa có sức sống ngoan cường. Chúng không chỉ chịu đựng điều kiện thời tiết bất lợi mà còn có khả năng  điều chỉnh tỷ lệ giới tính do sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ môi trường.

Các bác sĩ đã lấy ra một con rùa chết từ cơ thể cô gái trẻ người Anh

"Trong trứng rùa hình thành phôi,  với giới tính được coi là di truyền. Nhưng nó có thể thay đổi mức nội tiết tố tùy theo điều kiện nóng nực hoặc mát mẻ. Vì vậy, trong quần thể rùa đôi khi có sự thay đổi về tỷ lệ con đực hoặc con cái. Nhưng những con bò sát này có hai ưu thế át chủ bài. Thứ nhất, chúng sống khá lâu, do đó, rùa đực và rùa cái lứa trước vẫn có thể dự phần vào quá trình duy trì nòi giống của thế hệ mới, trong đó ghi nhận sự pha trộn thay đổi tỷ lệ đực cái. Thứ hai,  rùa biết cách lưu trữ  sản phẩm tình dục trong cơ thể. Thậm chí nếu vào thời điểm nào đó có ít con đực trẻ,  sẽ có nguồn cung cấp tinh trùng từ các "lão rùa" tiền bối. Giả sử chỉ thuần túy là điều kiện tự nhiên nóng lên, khả năng lưu trữ tinh trùng và sống thọ sẽ bảo vệ những con vật này nếu như số lượng rùa không trở nên quá ít. Mà điều đó lại chỉ phụ thuộc vào con người mà thôi", — PGS Sergey Ogurtsov cho biết.

Theo quan điểm của chuyên gia, những con rùa sẽ sống sót qua biến đổi khí hậu hiện tại, bù đắp sự xoay chuyển số lượng con cái-con đực trong quần thể. Thế nhưng chúng không có khả năng tự vệ trước những người bắt rùa để chơi và để bán, phá hủy môi trường sống quen thuộc của chúng và cách ly những con bò sát hiền lành này khỏi khu vực sinh sản tự nhiên mà chúng đã quen.

Nhóm các nhà sinh vật học từ Cơ quan Khảo cứu Địa chất Hoa Kỳ và ĐHTH bang Georgia cho rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu dù sao chăng nữa cùng sẽ đẩy nhanh quá trình tuyệt chủng của rùa. Điều này, đến lượt nó, sẽ làm tổn hại đến quần thể các loài động vật khác và làm biến đổi hoàn toàn cấu trúc cộng đồng sinh học trên Trái đất.

Rùa Viễn Đông (Pelodiscus sinensis) - một trong bốn loài rùa sinh sống trên lãnh thổ Nga.
Thảo luận