Như Tiền Phong đã đưa tin, Chủ tịch LĐBĐ Hà Nội nhiệm kỳ 2002-2006 Nguyễn Quốc Triệu mới đây đã có công văn xin giải thể, trả lại con dấu. Lý do bởi sau khi ông Nguyễn Quốc Triệu chuyển công tác năm 2004, LĐBĐ Hà Nội trên thực tế không có hoạt động nào. Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Tô Văn Động cũng xác nhận, Sở đã báo cáo thành phố để xin quyết định giải thể LĐBĐ Hà Nội, tổ chức đại hội để thành lập BCH mới.
Vấn đề đặt ra là, như vậy trên thực tế LĐBĐ Hà Nội lâu nay chỉ có "danh", nhưng không có "thực". Tuy nhiên trong suốt 14 năm vừa qua, một số cá nhân vẫn sử dụng con dấu của LĐBĐ Hà Nội tham gia các hoạt động ở VFF, gần đây như việc giới thiệu người ra tranh cử đại hội 8, và sắp tới có thể cả bầu cử.
Cụ thể vừa qua, LĐBĐ Hà Nội đã giới thiệu 2 người ra tranh cử tại đại hội 8 VFF. Một quan chức VFF hôm qua cho rằng, do chưa có quyết định giải thể của thành phố, LĐBĐ Hà Nội vẫn đủ tư cách là thành viên VFF, được quyền giới thiệu và tham gia bầu cử đại hội 8.
"Khi nào thành phố có quyết định chính thức giải thể LĐBĐ Hà Nội thì khi đó họ mới không còn quyền giới thiệu, tham gia bầu cử. Hơn nữa 2 người được LĐBĐ Hà Nội giới thiệu cũng được một số thành viên VFF khác giới thiệu nên theo quy định, họ đủ điều kiện ra tranh cử"-quan chức VFF trên cho biết.
Cách giải thích này rất khó khiến dư luận và người hâm mộ yên tâm. Như đã nói trên, thực tế LĐBĐ Hà Nội đã không hoạt động 14 năm liền. Theo Nghị định 45 Chính phủ năm 2010, hội không hoạt động liên tục trong 12 tháng sẽ bị giải thể. Liệu có thể đảm bảo lá phiếu của một thành viên VFF vốn "hữu danh vô thực" lại đáp ứng được các yêu cầu cần thiết về nhân sự lãnh đạo cấp cao cho một tổ chức phụ trách bóng đá, môn thể thao có ảnh hưởng lớn tới công chúng như VFF?
Theo tìm hiểu, tình trạng như LĐBĐ Hà Nội không phải duy nhất. Có những địa phương khác, LĐBĐ cũng trong tình trạng không hoặc ít hoạt động, nhiều năm liền sau khi hết nhiệm kỳ cũ nhưng không tổ chức đại hội để thành lập nhiệm kỳ mới. Với thực trạng này, Bộ VH-TT&DL không thể không yêu cầu VFF phải rà soát lại "chất lượng" các đơn vị thành viên để đảm bảo đại hội 8 diễn ra đúng với kỳ vọng của người hâm mộ.
Nâng cao hiệu quả hiệu động
Một vấn đề khác liên quan đến ứng viên lãnh đạo chủ chốt VFF cũng cần xem xét, là trường hợp nguyên Giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa. Dưới thời ông Nghĩa, Mỹ Đình đang bị truy thu gần 70 tỷ đồng tiền thuế, chưa kể số tiền thuê đất tạm tính lên tới 314 tỷ đồng. Hoạt động cho thuê đất trái phép của Mỹ Đình có nguy cơ khiến ngân sách nhà nước thất thoát hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Cấn Văn Nghĩa vẫn được chấp nhận cho ra tranh cử ghế Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF.
Trả lời báo Lao Động mới đây, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải cho rằng, về nguyên tắc, khi các cơ quan chức năng đang xem xét và chưa có kết luận cụ thể (vụ việc của Mỹ Đình) thì "không ảnh hưởng". Do đó, ông Cấn Văn Nghĩa vẫn có thể ra tranh cử bình thường, còn nếu có sai phạm, dù trúng cử vẫn phải truy cứu trách nhiệm.
Vấn đề quan trọng hơn, như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ VH-TT&DL, Bộ cần có trách nhiệm củng cố, kiện toàn VFF theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động. Để một cán bộ nghỉ hưu, đơn vị quản lý đang vướng vấn đề về tài chính ra ứng cử chiếc ghế tài chính ở VFF, liệu Bộ đã thực sự thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?
Lãnh đạo một CLB bóng đá V-League miền Bắc hôm qua nói, trong trường hợp khâu chuẩn bị chưa đảm bảo đúng yêu cầu, VFF hoàn toàn có thể hoãn thời điểm tổ chức đại hội 8.